BẢO VỆ HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CỦA KARL MARX TRONG TÌNH HÌNH MỚI
02.11.2023 10:05
Bài viết làm rõ nội dung và nghiên cứu bổ sung một số nội dung mới của học thuyết giá trị thặng dư của Karl Marx. Học thuyết này đã trở thành vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân. Ngày nay, dưới tác động của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất đã có những biến đổi sâu sắc, kéo theo những thay đổi nhất định trong quan hệ sản xuất, ... Sự phát triển này đòi hỏi giảng viên Trường Chính trị vừa phải tiếp tục nghiên cứu và bổ sung lý luận này trong điều kiện mới, vừa phải đấu tranh phê phán các tư tưởng xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với lý luận của Karl Marx. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của học viên chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Học thuyết giá trị
thặng dư – học thuyết mang bản chất khoa học – không thể phủ nhận
Việc nghiên cứu và
phát hiện ra quy luật sản xuất giá trị thặng dư là một công trình khoa học vĩ
đại của Karl Marx trong kinh tế chính trị học. Từ giữa thế kỷ XVII đến nay, các
nhà kinh tế như William Petty (1623-1687), François Quesnay (1694 - 1774), Adam
Smith (1723 - 1790), David Ricardo (1772 – 1823), … đều đã nghiên cứu vấn đề
giá trị thặng dư được tạo ra như thế nào. Nhưng tất cả các nhà kinh tế đều phạm
phải cái sai lầm là đã không xét giá trị thặng dư dưới dạng thuần túy, với tư
cách là giá trị thặng dư, mà xét dưới hình thái đặc thù là lợi nhuận và địa tô.
Đầu những năm 40 của
thế kỷ XIX, Karl Marx ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu
kinh tế chính trị học đã đứng trên lập trường giai cấp công nhân vạch rõ tính
lịch sử xã hội của các phạm trù tư bản, lợi nhuận. Cùng với sự sáng tạo quan
điểm duy vật lịch sử và việc vận dụng quan điểm này vào nghiên cứu kinh tế
chính trị học, đặc biệt là sáng tạo ra phương pháp luận khoa học trong việc
phân tích quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Từ các hình thái cụ thể lợi
nhuận, lợi tức, địa tô, Karl Marx đã trừu tượng hóa các tính quy định nội tại
bản chất trong đó, lần đầu tiên nêu ra phạm trù “giá trị thặng dư”. Karl Marx
đã hoàn toàn phân biệt giá trị thặng dư nói chung và giá trị thặng dư đặc thù.
Do đó, có thể bóc trần bản chất của cái gọi là hình thức thu nhập của lợi
nhuận, lợi tức, địa tô. Việc vạch ra giá trị thặng dư nói chung đã nói rõ bản
chất của giá trị thặng dư, đã đính chính những sai lầm căn bản trong nghiên cứu
giá trị thặng dư. Lý luận hàng hóa sức lao động vạch ra nguồn gốc giá trị thặng
dư, khám phá ra bí mật của quá trình tư bản bóc lột lao động làm thuê. Việc
sáng lập ra lý luận luận hàng hóa sức lao động của Karl Marx, không những vạch
ra sâu sắc nguồn gốc của giá trị thặng dư, mà còn giải quyết triệt để về mặt lý
luận những khó khăn, bế tắc của các trường phái cổ điển. Trong quá trình sản
xuất ra giá trị thặng dư, cái mà công nhân bán cho nhà tư bản chỉ là sức lao
động chứ không phải lao động. Chính trên cơ sở lý luận lao động chặt chẽ, Karl Marx
đã vạch ra nguồn gốc sinh ra giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư tập trung thể
hiện mối quan hệ giữa lao động làm thuê và tư bản với tư cách là cái trục vận
động của chủ nghĩa tư bản. Do đó, trong khi trình bày về cơ sở của hai phương
pháp cơ bản để sản xuất ra giá trị thặng dư, Karl Marx lại đề ra lý luận sự phụ
thuộc của lao động vào tư bản. Ông khẳng định sản xuất giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, quy luật
giá trị thặng dư có tác dụng quyết định đối với sản xuất, phân phối, trao đổi
và tiêu dùng. Do sản xuất giá trị thặng dư là nội dung đặc biệt và là mục đích
của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, cho nên, quy luật giá trị thặng dư là quy
luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản, giữ vị trí chủ đạo và đóng vai trò quyết
định trong hệ thống các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản.
Biểu hiện
rõ nhất của quy luật giá trị thặng dư hiện nay chính là trong đại dịch COVID-19
từ cuối năm 2019 đến nay. Số người giàu trên thế giới ngày càng giàu hơn trong
khi người nghèo càng trở nên khó khăn. Điều này được phản ánh trong báo cáo bất
bình đẳng thế giới do một nhóm các nhà khoa học xã hội thực hiện. Theo báo
cáo, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm
3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt
đầu bùng phát vào đầu năm 2020. Danh sách các tỷ phú thế giới hàng năm do
Forbes bình chọn năm 2021 cho thấy số tỷ phú kỷ lục 2.755 người nắm giữ tổng
giá trị tài sản lên tới 13.100 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỷ USD ghi
nhận năm ngoái. Một nhóm 520.000 người trưởng thành
giàu nhất - chỉ chiếm 0,01% dân số thế giới - năm 2021 sở hữu 11% tài sản toàn
cầu, tăng so với con số 10% năm ngoái. Người nằm trong nhóm thiểu số này sở hữu
tài sản có giá trị ít nhất 16,7 triệu euro (19 triệu USD). Theo các nhà phân
tích, trong nhóm siêu giàu đã hưởng lợi từ hoạt động mua bán trực tuyến phổ
biến trong thời kỳ dịch bệnh.
2. Khủng
hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa – tính tất yếu khách quan
Dưới ánh sáng của học
thuyết giá trị thặng dư, Karl Marx đã nghiên cứu tính tất yếu và tính chu kỳ
của khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Marx đã vạch ra nguồn gốc của khủng
hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa là do mâu thuẫn nội tại giữa lực lượng sản xuất
và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Và Marx đã mô tả quá trình vận động kế
tiếp nhau mang tính chu kỳ lặp đi lặp lại của các giai đoạn: phồn vinh, suy
thoái, khủng hoảng, đình trệ, phồn vinh mới, … diễn ra trong tái sản xuất tư
bản chủ nghĩa. Qua việc phân tích vận động mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và
quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx cho rằng, sự phát triển của quan hệ tư
bản đến một điểm nhất định sẽ hạn chế sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lúc
đó, tư bản, tức lao động làm thuê cũng giống như các quan hệ đã phát sinh và
phát triển trong lịch sử như chế độ phường hội, chế độ nông nô, chế độ nô lệ,
chế độ phong kiến là những xiềng xích cần phải đập tan để phát triển lực lượng
sản xuất và của cải xã hội. Khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là sự
biểu hiện cụ thể của sự không thích ứng ngày càng tăng giữa sự phát triển của
nền sản xuất xã hội với quan hệ sản xuất hiện tồn.
Marx cho rằng, trong điều
kiện sản xuất hàng hóa giản đơn, đã tồn tại hai khả năng có tính hình thức của
khủng hoảng. Một là, trong bản thân sự biến hóa hình thái của hàng hóa, việc
mua và bán có thể tách rời nhau, sự tách rời này làm cho sự thống nhất vốn có
giữa H – T và T – H được thực hiện bằng con đường bạo lực, phải dùng bạo lực
đánh vào sự độc lập mà chúng đã có được đối với nhau. Còn khủng hoảng thì chẳng
qua chỉ là việc thực hiện bằng bạo lực sự thống nhất những giai đoạn của quá
trình sản xuất, những giai đoạn này đã bị tách rời và đã trở thành độc lập đối
với nhau. Hai là, tiền tệ làm chức năng phương tiện thanh toán trong hai thời
kỳ khác nhau, tách rời khỏi nhau, tiền thể hiện ra trong hai chức năng khác
nhau, khi nợ khấu trừ nợ lẫn nhau thì chỉ làm thước đo giá trị trên quan niệm,
mà khi thực hiện giá trị cần sự thanh toán tiền tệ thực sự. Trong quá trình
này, nếu như giữa người vay nợ và người chủ nợ hình thành một quan hệ mắt xích,
mà có một khâu bị đứt, thì có khả năng xuất hiện cuộc khủng hoảng tiền tệ với
đặc trưng chủ yếu là sự thiếu hụt nghiêm trọng phương tiện thanh toán. Nhưng
hai hình thái này chỉ là hình thái trừu tượng chung nhất của khủng hoảng, không
phải là nguyên nhân khủng hoảng. Nguồn gốc của khả năng khủng hoảng biến thành
hiện thực là ở mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản và sự phát triển đầy đủ
của các mâu thuẫn đó. Marx đã vạch rõ đặc tính chung của nền sản xuất hàng hóa
tư bản chủ nghĩa là toàn bộ tư bản hàng hóa đều phải kinh qua quá trình H – T –
H. Do đó, chỉ cần tư bản mang hình thái hàng hóa, thì đã bao hàm khả năng chung
của khủng hoảng trong hình thái hàng hóa, tức là việc tách rời giữa mua và bán,
cũng bao hàm trong sự vận động tư bản. Trong sự vận động của quá trình tái sản
xuất, tư bản quan hệ lẫn nhau và đan xen vào nhau, các quy luật nội tại của
khủng hoảng cũng đã mở rộng, hai hình thái tiềm ẩn trong lưu thông hàng hóa
giản đơn – mâu thuẫn giữa mua và bán, mâu thuẫn của tiền tệ làm phương tiện
thanh toán – đã bộc lộ một cách thực tế trong quá trình tác động của cơ chế
kinh tế vận động cạnh tranh và tín dụng trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Xem xét quá trình tái sản xuất xã hội tư bản chủ nghĩa, việc tách rời giữa mua
và bán trong kinh tế hàng hóa giản đơn, đã chuyển hóa thành sự tách rời giữa
giai đoạn sản xuất và giai đoạn lưu thông tư bản chủ nghĩa. Do đó, một số nhà
kinh tế học tư sản phủ nhận khủng hoảng, tất nhiên phải phủ nhận kịch liệt tính
chất tách rời nhau trong vận động của giai đoạn sản xuất và giai đoạn lưu
thông, nhấn mạnh sự thống nhất giữa hai giai đoạn này. Thực ra, giai đoạn sản
xuất và giai đoạn lưu thông là hai mặt đối lập nhau, nhưng bổ sung cho nhau
trong tái sản xuất xã hội tư bản chủ nghĩa. Khủng hoảng chính là việc phục hồi
bằng bạo lực sự thống nhất của những yếu tố đã trở thành độc lập và việc dùng
bạo lực để biến những yếu tố về thực chất là một cái gì thống nhất, thành một
cái gì có tính chất độc lập. Do đó, về mặt kết cấu logic hệ thống lý luận kinh
tế chính trị học, khủng hoảng còn nhiều nhân tố, điều kiện, khả năng, chỉ có
thế nghiên cứu nó khi đã phân tích thêm nhiều mối liên hệ cụ thể, đặc biệt là
phân tích cạnh tranh và tín dụng của tư bản. Điều đó nói lên, chỉ có trên cơ sở
trình bày đầy đủ quá trình sản xuất trực tiếp, quá trình lưu thông tư bản và
quá trình chung của tư bản mới có thể lý giải toàn diện tính tất yếu nội tại
của khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói khác đi, tính tất yếu nội tại của
khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là sự thể hiện tập trung sự vận động
của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Mặc dù có thay đổi phương
thuốc chủ nghĩa tư bản, từ hơn một thế kỷ nay, nó vẫn cứ định kỳ, không những
không thuyên giảm mà ngày một trầm trọng thêm lên. Từ 1925 là năm nổ ra cuộc
khủng hoảng sản xuất thừa đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản cho đến
nay. Ít nhất chủ nghĩa tư bản trải qua 05 lần khủng hoảng. Đại suy thoái năm
1929-1939 được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ 20. Nó không
chỉ tàn phá nền kinh tế Mỹ mà còn tác động đến kinh tế thế giới. Hiện nay có
nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nguyên nhân của đại suy thoái. Nhiều người
cho rằng thảm họa này xuất phát từ sự sụp đổ thị trường chứng khoán phố Wall và
quyết định sai lầm của Chính phủ Mỹ. Tại Mỹ, vào đầu thế kỷ 20, việc cấp tín
dụng trở nên vô cùng dễ dàng. Tình trạng này đã dẫn đến sự lạm dụng vay tín
dụng để đầu cơ chứng khoán. Vào tháng 10/1929, giá cổ phiếu trên phố Wall sụt
giảm mạnh. Bong bóng tài chính tan vỡ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường. Hậu
quả là Chính phủ và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nợ nần. Bên cạnh đó, chính
sách thuế và những món nợ của chính phủ thời kỳ đó khiến hàng hóa không thể bán
ra nước ngoài. Ảnh hưởng của nó nhanh chóng lan rộng sang các nước khác. Cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến sản lượng công nghiệp giảm 45%, khoảng
5.000 ngân hàng phá sản, 50 triệu người thất nghiệp, mâu thuẫn xã hội bùng nổ.
Một số nước tư bản không có hoặc ít thuộc địa ngày càng thiếu vốn, thiếu nguyên
liệu và thị trường. Họ đã đi theo con đường phát xít hóa chế độ chính trị để
giải quyết tình trạng này.
Cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu gần đây nhất đã bùng phát vào cuối thập niên vừa qua “Cuộc khủng hoảng
suy thoái toàn cầu năm 2008”. “Cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại” này xảy ra
khi các ngân hàng Mỹ cho vay thế chấp mua nhà lãi suất cao với những người
không có khả năng thanh toán tài chính. Sau đó, số ngân hàng này đã tập trung
đầu tư vào lĩnh vực không có nhiều lợi nhuận, cũng như bán lại nhiều lần trên
thị trường tài chính. Bong bóng tài chính bùng nổ khi các khoản nợ tín dụng
không thể được chi trả, giá nhà đất chạm đáy, trong khi hàng triệu người mất
nhà cửa. Thị trường chứng khoán sụp đổ, thất nghiệp tăng cao, hệ thống ngân
hàng lao đao, mà đỉnh điểm là việc ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào
năm 2008. Đáng chú ý, mặc dù bắt nguồn gốc từ Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng đã
nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, tạo thành một thảm họa tài chính đối
với những nền kinh tế không thể tự bảo vệ được mình.
Chiến tranh giữa Nga và
Ukraine từ ngày 24 tháng 02 năm 2022 đến nay, đang gây ra cú sốc lạm phát đình
trệ nghiêm trọng, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa và
siết chặt thu nhập của các hộ gia đình và doanh nghiệp khi các mặt hàng thiết
yếu trở nên đắt đỏ hơn. Với cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu trong vòng 80 năm,
nguy cơ leo thang căng thẳng khiến niềm tin tiêu dùng giảm sút trong khi châu
Âu phải giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn thậm chí còn lớn hơn năm 2015. Trong
khi đó, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc một lần nữa đe dọa chuỗi
cung ứng toàn cầu, làm gia tăng áp lực tăng giá và giảm sản lượng. So với đại dịch COVID-19, một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine gây
nguy cơ "tồi tệ hơn rất nhiều" đối với kinh tế châu Âu, do gián đoạn
chuỗi cung ứng, tình trạng khan hiếm năng lượng và lạm phát cao. Ukraine cung
cấp cho thế giới 70% khí neon, được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, trong khi
Nga là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu palladium - nguyên liệu để sản xuất
bộ chuyển đổi xúc tác.
Nguyên nhân của khủng hoảng
kinh tế này bắt nguồn từ chính mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Đó là mâu
thuẫn giữa trình độ xã hội hoá cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư
nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Chủ nghĩa tư bản ra đời đã tập trung tư liệu sản
xuất vào tay những nhà tư bản và biến tư liệu sản xuất cá nhân thành những tư
liệu sản xuất xã hội. Khủng hoảng nổ ra vào lúc sản xuất đạt tới mức điểm cao
nhất, lúc mà tình trạng mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng đã tích luỹ đến
độ nghiêm trọng. Một khi mà dòng lưu thông đã đầy ứ hàng hoá thì nó có thể bị
phá tung ra ở bất cứ chỗ nào một cách vô cùng đột ngột.
3. Học thuyết giá trị
thặng dư trong điều kiện mới ngày nay
Ngày nay, chúng ta
đang sống trong điều kiện có nhiều cái mới, rất khác so với thời kỳ của Karl Marx. Những thành tựu của cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt của đời sống xã hội nói
chung và lực lượng sản xuất nói riêng. Những thành tựu của khoa học - công nghệ
hiện đại đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở tất
cả những yếu tố cấu thành của nó là trình độ của tư liệu sản xuất và trình độ
của người lao động. Trong bối cảnh đó, học thuyết giá trị thặng dư của Karl Marx mặc dù có nhiều giá trị bền vững cho đến
ngày nay nhưng có những điểm cần được nghiên cứu bổ sung, phát triển.
Thứ
nhất, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học
và tri thức được phổ biến nhanh chóng, hầu như tức thời, với nhiều sự kiện khoa
học trên toàn thế giới, nhất là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy
lực lượng sản xuất phá triển rất nhanh. Công nghệ AI là các hệ thống thiết bị
kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới
trí thông minh của con người. Công nghệ AI được phát triển nhằm hướng tới mục tiêu
là xây dựng các hệ thống có khả năng suy nghĩ như con người, xây dựng các hệ
thống vận hành tự động, ứng dụng một số tư duy của con người vào các dịch vụ,
sản phẩm nhằm tăng giá trị của các dịch vụ, sản phẩm này. So với các công nghệ
mới khác, như máy tính lượng tử, 5G, internet vạn vật (IoT), công nghệ AI có
đặc trưng là năng lực tự học của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích
trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người; đồng thời, có khả
năng xử lý dữ liệu lớn và tốc độ cao. Hiện nay, mỗi ngày trên thế giới có
khoảng 2,2 tỉ Gb dữ liệu mới (tương đương 165.000 tỉ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty như Google, Apple,
Microsoft, Twitter, Facebook, Youtube, Amazon, Tesla, Baidu, Weibo, Tencent,
Alibaba, … thu thập để tạo thành dữ liệu lớn (big data). Thống kê của Visual
Capitalist tính đến tháng 3/2022 cho thấy, 100 công ty lớn nhất thế giới
có tổng vốn hóa đạt 31.700 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Các
doanh nghiệp công nghệ (Big Tech) thống trị top 10, có giá trị vốn hóa thị
trường cao nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế
thế giới. Do đó, lực lượng sản xuất hiện đại trở thành một yếu tố quan trọng
hàng đầu trong việc đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Đây là đặc điểm mới, chỉ
riêng có ở lực lượng sản xuất hiện đại mà lực lượng sản xuất ở các giai đoạn
trước kia chưa có hoặc mới ở trong một phạm vi hẹp. Qua đó, chủ nghĩa tư bản
đương đại thu được giá trị thặng dư ngày càng cao và bóc lột rất tinh vi, bằng
phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối, sản xuất giá trị thặng dư siêu
ngạch là chủ yếu, trên phạm vi toàn thế giới.
Thứ
hai, ngày nay, giai cấp công nhân không chỉ
có những người lao động chân tay thuần túy, mà còn bao gồm cả tầng lớp những
người trí thức. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, bản thân người lao động là
công nhân cũng có sự thay đổi đáng kể. Ở thời đại củaKarl Marx, lực lượng lao động chủ yếu là công nhân lao động thủ công,
nhưng ngày nay, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã
làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người
được giải phóng; trình độ kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao
động không ngừng được nâng cao. Do đó, trong rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp,
số lượng nhân lực khoa học - công nghệ
tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội
hơn hẳn so với số lượng lao động làm việc cơ bắp thông thường. Đội ngũ công
nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và
chất lượng, điều này đã và đang làm thay đổi dần tỷ trọng của lao động phổ
thông và lao động có trình độ cao. Kết quả là thời gian lao động thặng dư trong
ngày lao động của công nhân tăng nhanh mặc dù hiện nay có một số quốc gia phát
triển tuần lao động chỉ còn 44 giờ hoặc 40 giờ chứ không phải 48 giờ như các
quốc gia Bắc Âu, Anh, UAE, Quatar, ...
Thứ
ba, về quan hệ sở hữu, ngoài đối tượng sở
hữu đã có những thay đổi lớn, từ sở hữu hiện vật sang giá trị, với việc chia
nhỏ cổ phần, phát hành cổ phiếu mệnh giá thấp, chủ nghĩa tư bản đã huy động
được hàng triệu nguồn vốn nhỏ lẻ, nhàn rỗi trong các tầng lớp nhân dân tập
trung thành nguồn lực to lớn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, phần nào làm cho
quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa còn phù hợp với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất, tạo không gian cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển. Sự
điều chỉnh về quan hệ sở hữu phần nào xóa đi ranh giới giữa nhà tư bản với
người lao động, tạm thời dung hòa mâu thuẫn giữa ông chủ và người làm thuê. Về
quan hệ phân phối, bên cạnh các hình thức phân phối thông qua giá cả sức lao
động, trong chủ nghĩa tư bản đương đại cũng xuất hiện nhiều hình thức phân phối
khác đa dạng, phong phú hơn. Bao gồm, điều tiết phân phối giá trị thặng dư
thông qua thuế; phân phối thông qua lợi tức cổ phần; trợ cấp thất nghiệp, trợ
cấp xã hội; các hình thức đầu tư cho giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khỏe; tăng
mức thưởng và đãi ngộ cho người lao động … phần nào tạo ra nguồn thu nhập thêm
cho người lao động. Sự bóc lột của nhà tư bản không còn đậm nét như những năm
cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Tóm lại, với sự
phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng cao và một số biểu hiện mới về sở
hữu, phân phối giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, vẫn không thể
bác bỏ được những luận điểm về bản chất bóc lột tư bản chủ nghĩa. Mà trái lại,
nó càng làm phong phú và sâu sắc hơn những luận điểm của Karl Marx về sự bóc
lột giá trị thặng dư trong điều kiện lịch sử cụ thể. Điều đó càng khẳng định
sức sống của học thuyết giá trị thặng dư của Karl Marx được thể hiện ở những dự
báo khoa học có ý nghĩa thời đại của ông. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và bảo
vệ học thuyết giá trị thặng dư, vừa là
nhiệm vụ vừa là trách nhiệm, có ý nghĩa rất quan trọng của giảng viên và học
viên Trường Chính trị trong chương
trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình đào tạo cán bộ ở cơ sở (phần kinh tế
chính trị), Nhà xuất bản lý luận chính trị, Hà Nội, năm 2021.
2. C.Mác
và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 1995.
3. Đ.I.
Rodenbe, Giới thiệu Quyển I Bộ “Tư bản” của Các Mác, NXB CTQG-Sự thật, Hà Nội,
năm 2012.
4. TS.
Trần Hoa Phượng, Phủ nhận lý luận về hàng hóa sức lao động của Các Mác hay trò
xảo biện che đậy bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản hiện
đại, website www.tapchicongsan.org.vn,
ngày 02-05-2021.
5. GS.TS.
Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân Dân số ra ngày 17/5/2021.
ThS Nhan Thanh (Khoa LLCS) |