VÕ VĂN KIỆT - TẤM GƯƠNG CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO SUỐT ĐỜI VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
08.08.2022 08:49
Cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người con ưu tú của Nam bộ Thành đồng, sinh ngày 23
tháng 11 năm 1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Dù được
sinh ra ở một vùng quê nghèo, xa xôi, heo hút nhưng đồng chí đã sớm giác ngộ lý
tưởng cách mạng. Đồng chí tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi và năm 17 tuổi được
kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến
gian lao mà anh dũng của dân tộc cũng như sự luyện rèn, trưởng thành từng bước từ
cán bộ cơ sở, huyện, tỉnh… rồi tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị. Đồng chí Võ Văn Kiệt "là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí
Minh"; "nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta"
cả trong chiến tranh lẫn trong thời kỳ đổi mới; "một vị Thủ tướng giàu thực
tiễn, có tài năng, một nhà hoạt động chính trị tầm cỡ của Đảng và Nhà nước được
nhân dân trong nước và thế giới ca ngợi"; "đồng chí đã có nhiều đóng
góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự
nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước".
Với tính cách nổi bật là sâu sát thực tế,
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã quyết liệt trong "quá
trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi
xướng và lãnh đạo". Đồng chí Võ Văn
Kiệt là một nhà chính trị xuất sắc, người cán bộ có tâm, có tầm của Đảng và Nhà
nước ta và là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, nói lên và hiện
thực hóa những mong muốn thiết tha của dân ta. Phá bỏ thế bao vây, cấm vận để chủ động hội nhập quốc
tế trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, yếu kém, giúp đất nước có quan hệ ngày càng mở rộng với
các nền kinh tế lớn, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quan trọng của khu
vực và thế giới… tất cả đều
mang đậm dấu ấn Võ Văn Kiệt. Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải
phóng, Thành phố Hồ Chí Minh phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách như:
gần 3,5 triệu dân thành phố thiếu đói, số người thất nghiệp tăng, giới trí thức
trốn ra nước ngoài tăng nhanh… Với trí tuệ, kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, đồng
chí Võ Văn Kiệt đã rất quyết đoán khi đưa ra những quyết định mang tính “xé
rào” nhằm cứu đói cho dân và vực dậy kinh tế của Thành phố lúc bấy giờ. Với tư
duy đổi mới, đồng chí chủ động tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để
tháo gỡ khó khăn cho Thành phố. Từ đó tạo đà cho Thành phố Hồ Chí Minh bước vào
thời kì phát triển năng động, góp phần làm thay đổi tư duy về kinh tế và bước đầu
cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội lần thứ VI. Hơn thế nữa, khi kinh tế đất nước
lâm vào khủng hoảng, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp còn tồn tại trong khi
tư duy đổi mới vẫn chưa được thông suốt, với cương vị là Thủ tướng, ông đã cùng tập thể lãnh đạo
suy nghĩ, bàn bạc và đưa ra nhiều quyết sách mang tính đột phá như: trao quyền
tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh thực hiện thương mại hóa tư liệu sản
xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn được trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa, bãi
bỏ việc ngăn sông, cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa, chuyển dần nền
kinh tế từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa. Nhờ sự quyết đoán của đồng chí, những công trình lớn đã được
thực thi và mang lại hiệu quả thiết thực ngay khi đưa vào sử dụng, đáp ứng được
kỳ vọng của Nhân dân cả nước. "Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những
công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước". Điều này đã góp phần to lớn ổn định
và nâng cao đời sống của người dân, từng bước đưa tình hình chính trị và đời sống
kinh tế - xã hội của đất nước đi vào ổn định, phát triển.
Tuy xuất phát với trình độ học vấn thấp
nhưng đồng chí Võ Văn Kiệt đã chủ động tự học, tự rèn luyện; học mọi lúc, mọi
nơi, học ở mọi người, mọi đối tượng, mọi tầng lớp để có được trí tuệ tinh thông và vốn sống, kinh nghiệm sống phong phú, sâu sắc. Với đồng chí, còn sống là còn phục vụ,
còn cống hiến cho dân, cho nước. Muốn phục vụ tốt cho dân, cho nước thì trên hết
và trước hết, bản thân phải có trí tuệ, có kinh nghiệm và có bản lĩnh. Thật vậy,
trải qua hai cuộc chiến tranh và hơn ba mươi năm tham gia xây dựng đất nước sau
ngày hòa bình, thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước ta nhận xét là con
người của những quyết sách lớn, những quyết định mang đậm “dấu ấn Võ văn Kiệt”.
Nhiều dự án lớn, quan trọng của đất nước gắn liền với tên tuổi của ông như Thuỷ
điện Trị An, Đường dây tải điện 500
kV Bắc - Nam, Đường cao tốc Láng-Hòa Lạc, Nhà
máy lọc dầu Dung Quất, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, chương trình
khai thác và phát triển kinh tế - xã hội vùngĐồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau…
Trong tư duy đổi mới,
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng hết sức quan tâm đến việc đổi mới tư duy lý luận. Mặc
dù đồng chí là con người rất “thực tiễn” nhưng không vì thế mà quên đi vai trò
của lý luận. Bởi đồng chí hiểu rằng lý luận chính là nền tảng tư tưởng, là kim
chỉ nam cho hành động, chỉ đạo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước. Việc vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực
tiễn cùng với cái tâm một lòng vì nước, vì dân đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra
những quyết định sáng suốt, mang tính đột phá, "có nhiều đóng góp lớn" xây dựng nền móng kinh tế, văn hóa, xã hội
của nước nhà, giúp Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng
cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo lẽ thường, khi được về hưu thì phần lớn cán bộ, công chức, viên chức sẽ
tranh thủ lúc còn đủ sức khỏe, minh mẫn để đi du lịch đó đây hoặc nghỉ ngơi,
thư giãn, sum vầy bên con cháu sau hơn nửa đời người đã cống hiến cho sự nghiệp
cách mạng. Nhưng với đồng chí, dù đã về hưu, vẫn tự luôn canh cánh bên mình nỗi
lo cho dân, cho nước; vẫn quan tâm, theo dõi sát tình hình, chuyển biến của đất
nước; vẫn thường xuyên đóng góp ý kiến với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà
nước về những quyết sách lớn, những vấn đề quan trọng của dân tộc. Vì đã từng sống
trong lòng dân, ăn cơm dân, mặc áo của dân, được dân quan tâm, che chở nên hơn
ai hết, đồng chí thấu hiểu được nỗi khổ của dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng
của dân. Cho đến những năm tháng cuối đời, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh
của vị cựu Thủ tướng "lặn lội" ở nhiều nơi của vùng đồng bằng sông Cửu
Long vì những suy tư, trăn trở để tìm ra giải pháp giúp bà con nơi đây có thể sống
chung với lũ, làm chủ được con nước hay thậm chí có thể làm giàu lên nhờ vào những
món quà mà thiên nhiên đã ban tặng mỗi khi mùa nước lũ tràn về.
Với
86 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, gần 70 năm cống hiến không ngừng nghỉ, những “trái ngọt” mà
đồng chí để lại cho dân tộc cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và động lực thúc
đẩy đất nước phát triển. Có lẽ vì vậy nên dù đồng chí đã đi xa nhưng hình ảnh của
người cộng sản chân chính ấy vẫn luôn giữ mãi, được sự kính trọng và niềm tiếc
thương vô vàn trong trái tim của Nhân dân. Đồng chí chính là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Việt Nam.
Học tập tấm gương sáng
của đồng chí Võ Văn Kiệt về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,
dám dấn thân vì đường lối đổi mới của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, viên
chức Trường Chính trị Phạm Hùng đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao phẩm
chất đạo đức, năng lực của mình nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng
cao. Điều này được thể hiện qua những việc cụ thể sau:
Dám nói: viên chức
của Trường, đặc biệt là các viên chức trẻ đã mạnh dạn thể hiện quan điểm, lập
trường của mình trước tập thể cũng như trước lãnh đạo khi góp ý về một vấn đề
hoặc một sự việc nào đó; khắc phục dần tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Việc lắng nghe những ý kiến từ những viên chức dám nói như thế phần nào giúp
lãnh đạo có cái nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn về sự việc và đưa ra những
quyết định chuẩn xác hơn.
Dám đổi mới, sáng
tạo: trước đòi hỏi, yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước
như hiện nay thì việc dám đổi mới, sáng tạo là việc làm hết sức cần thiết. Thời
quan qua, đội ngũ giảng viên của Trường đã không ngừng học hỏi, đổi mới trong
phương pháp giảng dạy để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy. Viên chức của
Phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu và Phòng Quản lý đào tạo và
nghiên cứu khoa học cũng đã nghĩ ra những cách làm hay, sáng tạo nhằm giúp việc
quản lý, phục vụ công tác dạy và học (kể cả trực tuyến và trực tiếp) đạt hiệu
quả cao, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Dám đương đầu với
khó khăn, thử thách và quyết liệt hơn trong hành động vì lợi ích chung: trong
những ngày đầu của cuộc chiến chống dịch Covid-19, khi cơ sở vật chất của Trường
được trưng dụng làm khu cách ly, đã có những viên chức của Trường xung phong phối
hợp cùng với Ban Điều hành của khu cách ly hỗ trợ những người không may bị nhiễm
Covid-19, dù biết có thể sẽ phải nhận về mình những rủi ro, thiệt thòi nhưng họ
vẫn tiên phong. Những giảng viên trẻ của Trường cũng vậy, ý thức được bản thân
là giảng viên trẻ, dù đồng lương còn khá khiêm tốn, nhưng họ đã nỗ lực phấn đấu,
vượt qua khó khăn, tự học, tự rèn nhằm nâng cao trình độ học vấn, nâng cao chất
lượng bài giảng...
Tưởng nhớ về đồng chí Võ Văn Kiệt, về hình ảnh người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long;
về tài năng, đức độ và những thành tựu to lớn mà đồng chí đã để lại cho quê
hương, cho đất nước chính là lời nhắc nhở, là động lực cho thế hệ con cháu hôm
nay học tập và noi theo. Phải nỗ lực phấn đấu, học tập tấm gương sáng dám
dấn thân, dám hy sinh, cống hiến, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách
nhiệm của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt để mai này phục vụ, cống hiến cho quê
hương, đất nước được nhiều hơn và tốt hơn./.
ThS Nguyễn Thị Xiếu (Khoa Nhà nước và Pháp luật) |