MỘT SỐ KẾT QUẢ CỦA HỘI THẢO CHUYÊN MÔN KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG NĂM 2021
10.12.2021 16:16
|
Hội thảo khoa học chủ đề: Nâng cao chất lượng công tác dân vận và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. |
Căn cứ Quy chế nghiên cứu khoa học của
trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ban hành kèm theo Quyết
định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh), được sự thống nhất về chủ trương tổ chức hội thảo khoa
học cấp khoa của Lãnh đạo Trường Chính trị Phạm Hùng, Khoa Xây dựng Đảng xây dựng kế
hoạch hội thảo khoa học chuyên môn năm 2021 với chủ đề: Nâng cao chất lượng
công tác dân vận và nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” tại Trường Chính trị Phạm
Hùng. Mục đích Hội thảo
nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên, viên chức
theo quy định, đồng thời tạo điều kiện trao đổi
chuyên môn giữa giảng viên Khoa Xây dựng Đảng và các khoa, phòng khác
trong Trường. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh
giá việc tổ chức thực hiện công tác dân vận và xây dựng mô
hình “dân vận khéo” trong Nhà trường, từ đó làm cơ sở để đề xuất,
kiến nghị với Lãnh đạo Trường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công
tác dân vận và nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” tại Trường Chính trị Phạm
Hùng.
Qua thời gian chuẩn bị, mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến
phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số
16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy,
nghiên cứu và các hoạt động của Trường .Tuy điều kiện có nhiều khó
khăn nhưng Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận
lợi của Lãnh đạo Trường, lãnh đạo khoa, phòng và sự nhiệt tình tham gia viết
bài tham luận Hội thảo của nhiều giảng viên, viên chức, Ban Tổ chức đã nhận
được 16 bài tham luận hội thảo (14 bài của giảng viên, viên chức tại Trường; 2
bài của Kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long và Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long), các bài tham luận đã luận giải từ cơ sở lý
luận, phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chung và giải pháp cụ
thể, thiết thực về công tác dân vận và nhân rộng các mô hình “dân vận
khéo” tại Trường Chính trị Phạm Hùng với nhiều góc độ tiếp cận khác
nhau.
Đây là lần đầu tiên Khoa Xây dựng Đảng,
Trường Chính trị Phạm Hùng tổ chức hội thảo khoa học với hình thức trực tuyến
(tập trung tại phòng họp 10 người, còn lại trực tuyến tại nhà). Qua hội thảo có
7 tác giả trình bài tham luận, 8 lượt ý kiến thảo luận, phản biện tập trung
một số nội dung cơ
bản sau:
Một là, nhiều tác giả đã đề cập đến bài
báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với
bút danh X.Y.Z của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kiện Bộ Chính trị khóa VIII
đã quyết định lấy ngày 15/10/1930 là ngày Truyền thống công tác Dân vận của
Đảng và ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”.
Hai là, các tác giả đã làm rõ cơ
sở lý luận và sự cần thiết phải thực hiện công tác dân vận và phong trào thi
đua “dân vận khéo”nhìn từ góc độ thực tiễn tại Trường.
Ba là, làm rõ đối tượng vận động là toàn
thể đảng viên, viên chức, người lao động và học viên, quần chúng nhân dân nơi
cư trú.
Bốn là, Hội thảo đã đánh giá những thuận lợi, kết quả đạt được; những khó khăn,
bất cập trong tổ chức thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “dân vận khéo” tại Trường trong thời gian vừa
qua. Đa số đại biểu quan tâm phân tích kỹ
những hạn chế cần rút kinh nghiệm như: vấn đề nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng
của công tác dân vận; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, Lãnh đạo Trường và
cá nhân trong công tác dân vận; chủ đề, mô hình thực hiện; công tác kiểm tra,
giám sát và việc biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình đối với những tập thể,
cá nhân làm tốt. Phân tích, đánh giá sự kết hợp giữa thực hiện công tác
dân vận và phong trào thi đua “dân vận
khéo” với việc học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XI, XII), công tác xây dựng Đảng và các phong trào thi đua tại Trường.
Năm là, đa số các tác giả đều tập trung phân tích những nguyên
nhân đạt được, chưa được, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao
chất lượng thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “dân vận
khéo” tại Trường.
Sau đây là tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị cơ bản của buổi Hội
thảo:
Thứ nhất, cấp ủy, Lãnh đạo Trường; trưởng,
phó các khoa, phòng; ban chấp hành các đoàn thể cần tiếp tục tuyên truyền, quán
triệt sâu sắc những chủ trương, quan điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về
công tác dân vận, phong trào thi đua “dân vận khéo” do cấp ủy đảng, chính
quyền, đoàn thể phát động. Từ đó tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức, hành động, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, viên chức, người
lao động và học viên về công tác dân vận.
Thứ hai, Lãnh đạo Trường, lãnh đạo các phòng,
khoa cần tổ chức thảo luận lựa chọn chủ đề, mô hình “dân vận khéo” tại đơn vị
mình nhằm lựa chọn mô hình mới có tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đơn vị.
Thực hiện mô hình phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng
tâm, nhất là những việc khó cần tập trung vận
động. Mô hình cần có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết
thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Đảm bảo 3 khéo: “Chọn mô
hình khéo, con người khéo, tổ chức thực hiện khéo”.
Thứ ba, phát động phong trào thi đua “dân vận khéo” phải
kết hợp hài hòa với thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Quán triệt quan
điểm, tư tưởng của Bác về thi đua, khen thưởng, tăng cường nghiên cứu thấm
nhuần lời dạy của Bác:“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những
người thi đua là những người yêu nước nhất”
Thứ tư, tăng cường công
tác dân vận gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy
mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp
luật Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Thứ năm, Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tăng cường công tác kiểm
tra, mở rộng công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên nơi cư trú
theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết
định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị và Quyết định số 83-QĐ/TU
ngày 21/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế công tác dân
vận của hệ thống chính trị. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “dân vận khéo” nhằm tham
mưu cho cấp ủy, Lãnh đạo Trường trong triển khai và tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”
của Đảng bộ Trường tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc việc
thực hiện phong trào thi đua và kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả đối với
những mô hình đã đăng ký thực hiện; nâng cao chất lượng sơ kết,
tổng kết rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận kết hợp với thi
đua, khen thưởng;phổ biến, giới thiệu và nhân rộng những mô hình
“Dân vận khéo” để phát huy hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường, chủ động tổ chức hội thảo khoa học, mở rộng
diễn đàn vớicác cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ
khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; các trường chính trị trong cụm thi đua, khối
thi đua VII tỉnh Vĩnh Long xoay quanh công tác dân vận nhằm trao đổi kinh
nghiệm, đưa ra biện pháp phù hợp trongcông tác dân vận tại đơn vị.
Thứ tám, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của
Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh gắn với công tác dân vận thật sự sâu rộng, có hiệu quả.
Thứ chín, giảng viên và viên chức Nhà trường cần thường xuyên quan
tâm, gần gũi, sâu sát với học viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của
học viên để chủ động đề xuất lãnh đạo Trường xem xét và giải quyết kịp thời nhu
cầu chính đáng của học viên. Qua đánh giá của Lãnh đạo Trường, buổi hội thảo của
Khoa Xây dựng Đảng đã thành công. Hoạt động hội thảo khoa học của Khoa là một
nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ
được giao, góp phần đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn trong thời gian sắp
tới. Vì vậy, rất cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Trường, sự đồng
tình ủng hộ của lãnh đạo phòng, khoa; đội ngũ giảng viên, viên chức để công tác
hội thảo cấp khoa có những thành công tốt đẹp hơn nữa.
ThS Nguyễn Toàn Thắng (Khoa Xây Dựng Đảng) |