CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN BIÊN SOẠN HỌC PHẦN “THỰC TIỄN VÀ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN TỈNH VĨNH LONG”
27.06.2022 10:13
Ngày 21/4/2014, Giám đốc Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh ban hành chương trình, giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính được
thực hiện từ 01/8/2014, theo Hướng dẫn số 167/HD-HVCTQG ngày 6/11/2015 của Giám
đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc biên soạn phần "Tình
hình, nhiệm vụ của địa phương" thuộc chương trình trung cấp lý luận chính
trị - hành chính, trên cơ sở này Trường Chính trị Phạm Hùng đã biên soạn
học phần "Tình hình, nhiệm vụ của địa phương tỉnh Vĩnh Long".
Trên thực tế, trong
những năm qua, việc giảng dạy "Tình
hình, nhiệm vụ của địa phương tỉnh Vĩnh Long" được Trường thực hiện
gồm có giảng dạy chuyên đề và báo cáo thực tế. Giảng dạy chuyên đề được biên soạn
thành giáo trình với 04 bài. Trong đó, có 03 bài thuộc về kiến thức lịch sử,
truyền thống, về điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nên mang tính
ổn định tương đối; 01 bài được biên soạn theo tinh thần quán triệt và thực hiện
nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ nên có sự thay đổi sau mỗi lần đại
hội. Nội
dung các bài giảng này chủ yếu dựa vào các nghị
quyết, báo cáo, đề án và các văn bản do Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Long
ban hành. Quá trình tổ chức giảng dạy học phần
này, đã đạt được một số kết quả tích cực, giúp học viên có những hiểu biết về
lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long; nắm bắt được quan điểm, mục tiêu, phương hướng
và những nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh. Tuy
nhiên, do thông tin, tài liệu được thu thập từ nhiều nguồn, ở nhiều
thời điểm khác nhau, chưa đảm bảo tính hệ thống và nghiên cứu toàn diện về các
lĩnh vực của đời sống xã hội, do vậy nội dung chương trình không được cập
nhật một cách hệ thống, toàn diện về thực tiễn phát triển tỉnh Vĩnh Long,
trong chừng mực nào đó chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập
ngày càng cao của học viên. Bên cạnh đó, năm 2020 tỉnh Vĩnh Long
tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Báo
cáo chính trị của Đại hội có nhiều điểm mới, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản và
những giải pháp phát triển mới, những khâu đột phá mới được đề ra, cần phải
được cập nhật bổ sung kịp thời trong “Giáo trình tình hình nhiệm vụ tỉnh Vĩnh
Long”.
Thực hiện Quyết định số 07b-QĐ/HVCTQG, ngày
02/01/2020 của Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc triển
khai Đề án đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ
sở hệ trung cấp lý luận chính trị. Theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG, ngày
21/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, "Thực tiễn
và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương" là một phần học thuộc
chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở hệ trung cấp lý luận
chính trị. Nhà trường đã tiến hành biên soạn học phần này. Việc
biên soạn học phần “Thực tiễn
và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Vĩnh Long” lần đầu
được nghiên cứu đầy đủ các nội dung về các lĩnh vực phát triển của tỉnh Vĩnh Long
như: về hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, về công tác
đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhằm
kịp thời đưa vào giảng dạy, góp phần tổ chức triển khai nghị quyết của Đảng bộ tỉnh,
đưa nghị quyết vào cuộc sống và phổ biến kiến thức thực tế các mặt hoạt động
của tỉnh Vĩnh Long đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh; cung cấp
cho học viên kiến thức cơ bản về địa phương, giúp học viên vận dụng kiến thức
đã học vào thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao nhận
thức, niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng thời, việc nghiên cứu biên soạn học phần “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát
triển tỉnh Vĩnh Long” còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm
nghiên cứu về tỉnh Vĩnh Long.
Tập bài
giảng nhằm đạt mục tiêu vừa đảm bảo kiến thức chung, vừa phù hợp với thực tiễn ở
cơ sở. Tập bài giảng được biên soạn gồm có 07 chuyên đề: (1) Lịch sử Đảng bộ tỉnh
Vĩnh Long; (2) Tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc
phòng - an ninh tỉnh Vĩnh Long; (3) Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2015 - 2020 và phương hướng trong thời gian tới; (4)
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trong tình hình mới ở tỉnh Vĩnh Long; (6) Giải quyết việc
làm gắn với giảm nghèo ở tỉnh Vĩnh Long; (7) Kinh tế tập thể, hợp tác xã ở tỉnh
Vĩnh Long.
Mỗi chuyên đề biên soạn được thẩm định chặt chẽ về kết
cấu nội dung, chương trình đảm bảo tính khoa học và sát thực với tình hình địa
phương.
Mỗi chuyên đề hướng đến
những mục tiêu cụ thể như sau:
Thứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận của mỗi vấn đề được đặt
ra ở các chuyên đề. Qua việc làm rõ cơ sở lý luận sẽ giúp cho người đọc nắm được
một cách khái quát những nội dung cơ bản của chuyên đề.
Thứ hai, trình bày và phân tích thực trạng của mỗi
chuyên đề. Qua đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế, đồng thời chỉ ra nguyên nhân
dẫn đến những vấn đề đó làm cơ sở đưa ra những giải pháp phù hợp.
Thứ ba, dựa trên những ưu điểm, hạn chế, nguyên
nhân dẫn đến những ưu điểm, hạn chế đó thì mỗi chuyên đề còn đưa ra những định
hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc cũng như phương hướng để
Vĩnh Long phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Những vấn đề mới về lý luận và
thực tiễn đề tài đặt ra
Về lý luận: Đề tài
được dùng làm tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, giúp học viên có những hiểu biết về lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà trong từng
giai đoạn cách mạng; về truyền thống văn hóa, nắm bắt được quan điểm, mục tiêu,
phương hướng và những nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội
của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
Về thực tiễn: Biên soạn giáo
trình học phần “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển ở tỉnh Vĩnh Long”
nhằm kịp thời đưa vào giảng dạy, góp phần tổ chức triển khai nghị quyết của Đảng
bộ tỉnh, đưa nghị quyết vào cuộc sống và phổ biến kiến thức thực tế các mặt hoạt
động của tỉnh Vĩnh Long đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh; tạo động
lực tinh thần to lớn, hình thành ý chí nghị lực và sự quyết tâm chính trị cao
trong tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương, từ đó tích cực sáng tạo, xây
dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, kinh tế phát triển cao và bền
vững.
Về phương pháp luận
và phương pháp nghiên cứu
Đề tài đã kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau. Cùng với
phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của
triết học Mác – Lênin, đề tài còn kết hợp nhiều phương pháp khác như: thu thập
thông tin, logic lịch sử, phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp, diễn dịch,
quy nạp, chứng minh.
Phương pháp thu thập thông tin: Đề tài sử dụng các thông tin từ các nguồn
tài liệu chính thống như: văn bản của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, các bài
nghiên cứu, bài viết trước đó của nhiều tác giả uy tín đã được đăng hoặc xuất bản
trên các báo, tạp chí khoa học. Phương pháp này được sử dụng trong toàn bộ các
chuyên đề của đề tài đặc biệt là ở chương về lý luận, nhằm đưa ra một cơ sở lý
luận có cơ sở khoa học vững chắc.
Phương pháp logic lịch sử: Con đường phát triển của tỉnh Vĩnh Long đã trải
qua 30 năm từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Long năm (1992 – 2022). Tuy nhiên, trước đó
Vĩnh Long đã phải trải qua một chặng đường
lịch sử dài hàng trăm năm để có được vị thế như ngày hôm nay. Ở mỗi thời kỳ, Tỉnh
có những thuận lợi cũng như đối diện với nhiều khó khăn khác nhau. Do vậy, sử dụng
phương pháp này có thể đúc kết được những kinh nghiệm ở các giai đoạn trước để
đưa ra những bài học kinh nghiệm và có thể dự báo xu hướng phát triển trong thời
gian tới.
Phương pháp so sánh: để diễn tả được những thành tựu, hạn chế, đề tài đã
sử dụng phương pháp so sánh số liệu, các điều kiện phát triển ở nhiều mốc thời
gian để làm bật lên được quá trình phát triển. Qua đó, phương pháp so sánh sẽ hỗ
trợ phân tích, làm rõ vấn đề, giúp nội dung đề tài được sâu sắc hơn, rút ra những
kinh nghiệm quý giá nhằm phát huy những ưu điểm cũng như khắc phục những hạn chế
trong thời gian tới.
Phương pháp phân tích, tổng hợp: các chuyên đề trong đề tài chủ yếu được
thực hiện bởi sự phân tích sau đó tổng hợp lại giá trị cốt lõi nhất mà các
thành viên đề tài muốn truyền tải trong chuyên đề của mình. Trong quá trình sử
dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, đề tài sẽ lồng ghép vào đó những phương
pháp khác như mô tả để làm rõ các nội
dung như khái niệm, đặc điểm, lược sử, thực trạng phát triển hiện nay và đưa ra
giải pháp.
Phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp: đi từ những nguyên tắc
chung đến những sự việc cụ thể, hoặc từ những phân tích chi tiết đi đến kết luận.
Phương pháp này sẽ được sử dụng uyển chuyển tùy từng vấn đề trong đề tài nhằm
phân tích, làm rõ các vấn đề lý luận, các quy định của pháp luật so với các vấn
đề xảy ra trên thực tế từ đó giúp cho việc đưa ra quan điểm của người viết một
cách sâu sắc, cụ thể hơn.
Phương pháp chứng minh: để làm tăng tính thuyết phục cho đề tài, kết hợp
với phương pháp phân tích, tổng hợp thì phương pháp chứng minh sẽ được sử dụng
để làm rõ các vấn đề, giúp người viết có thể truyền đạt được các ý tưởng và
quan điểm của mình một cách thuyết phục và sinh động.
Tóm lại, việc
nghiên cứu, biên soạn học phần“Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương” và giảng dạy học phần
này dựa vào thực tế của tình hình địa phương, đã được các trường chính trị tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương tích cực nghiên cứu, xây dựng thành tập bài giảng
góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị./.
ThS Nguyễn Thị Thanh Thư (NCKH) |