VĨNH LONG PHẤN ĐẤU PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
15.06.2021 15:35
Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm khu vực
đồng bằng sông Cửu Long, giao thông thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, sông
ngòi dày đặc, khí hậu mưa thuận gió hòa tạo điều kiện cho các loại thực vật
sinh trưởng và phát triển, nhất là các cây ăn trái đặc sản của vùng như nhãn,
chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, bưởi năm roi... Bên cạnh đó, Vĩnh
Long là một trong những tỉnh thuộc vùng đất Nam bộ xưa có nhiều danh nhân nổi
tiếng, tồn tại nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, nhiều công trình kiến trúc
văn hóa được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tất cả những điều này là lợi thế,
là tiềm năng để Vĩnh Long phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
như trong mục tiêu Nghị quyết 01-NQ/TU ngày
6 tháng 11 năm 2015 của Tỉnh ủy Vĩnh Long đề ra, phấn đấu đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2030 cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản từ ngành kinh tế
quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Kết quả đạt được
Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số
01-NQ/TU, du lịch Vĩnh Long đã có những chuyển biến theo hướng tích cực và đạt
được một số kết quả khả quan. Trong đó có thể kể đến một vài điểm nhấn cơ bản,
nổi bậc để thấy được Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn cố gắng nỗ lực,
phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ nhất, về loại hình du lịch phát triển
đa dạng, phong phú. Trong giai đoạn
2015 - 2020, được sự hỗ trợ và khuyến khích của các
cấp, các ngành trong tỉnh, nhiều cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du
lịch, du khách khi đến Vĩnh Long có
nhiều điểm
đến để dừng chân.
Cụ thể, nếu du
khách muốn tham quan, tận hưởng không khí trong lành, tham
gianhững trò chơi dân gian với người thân, bạn bè, đồng nghiệp,
ngoài khu du lịch quen thuộc Vinh Sang, du khách có thể đến khu du lịch sinh thái Hoàng Hảo ở xã Thanh Đức, huyện
Long Hồ; khu du lịch Sala ở xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình vớidiện tích rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây
xanh, cảnh đẹp, nhiều loại hình vui chơi,
giải trí gắn
liền với văn hóa dân gian đặc trưng của vùng sông nước như cỡi trâu, câu cá, tắm sông, chèo thuyền...
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm phát triển loại hình du lịch tham
quan vườn cây ăn trái tại các xã thuộc vùng cù lao như cù lao An Bình, cù lao
Dài; du lịch gắn với di tích lịch sử, du lịch kết hợp với tham quan các làng
nghề truyền thống, du lịch tâm linh.
Thứ hai, tăng số lượng, nâng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du
lịch
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du
lịch tăng từ 83 lên 99 cơ sở (2015 đến 2020). Đa dạng hóa các loại hình du lịch
đã thu hút được số lượng khách đến với tỉnh tăng từ 960.000 (năm 2015) lên 1,5
triệu lượt khách (năm 2019). Doanh thu giai đoạn 2016 - 2020 tăng 1,8 lần so
với giai đoạn 2011 - 2015[1].
Vĩnh Long đã 02 lần được tặng giải thưởng “Homestay ASEAN” đó là
Homstay Út Trinh (ấp Hòa Quí, xã Hòa Ninh - Long Hồ) và Homstay Phương
Thảo (ấp An Thạnh, xã An Bình - Long Hồ); tỉnh đã xây dựng 50 sản phẩm OCOP,
trong đó có 13 sản phẩm 4 sao.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện
cho cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào du lịch; đa dạng hóa các loại
hình du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch của Vĩnh Long thông qua các kênh truyền
thống như truyền hình, báo đài, kết hợp với các công ty du lịch để thiết kế
những tour du lịch kết hợp với du lịch tỉnh khác trong khu vực. Vì vậy, khách
du lịch xa gần đã biết nhiều đến tỉnh Vĩnh Long, các địa điểm du lịch đã thu
hút khách du lịch quan tâm và tham quan nhiều hơn.
Hạn chế còn tồn tại
Mặc dù du lịch của tỉnh Vĩnh
Long trong thời gian qua đã có bước phát triển. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng
thể thì hoạt động của ngành du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế:
Thứ nhất, về số lượng khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại
Vĩnh Long chưa đạt chỉ tiêu là ngành kinh tế quan trọng. Theo quy định của Tổng
cục Du lịch, để trở thành ngành kinh tế quan trọng, doanh thu của du lịch phải
chiếm từ 3 - 6% GRDP. Như vậy, so với chỉ tiêu là ngành kinh tế quan trọng,
doanh thu du lịch của tỉnh Vĩnh Long còn ở mức khá xa (doanh thu tính riêng năm
2019 của tỉnh đạt cao nhất trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 nhưng so với GRDP
chỉ chiếm trên 1,5%)[2].
Thứ hai, về các loại hình du lịch tương tự với những tỉnh khác ở
khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh chưa phát triển loại hình du lịch nào
mang đặc trưng riêng để thu hút khách tham quan, du lịch nên còn gây tâm lý
nhàm chán và ít có khách du lịch muốn quay trở lại Vĩnh Long.
Thứ ba, về văn hóa ẩm thực, tỉnh chưa có một món ăn mang đậm chất
của con người hay một địa phương nhất định của Vĩnh Long. Trong khi đó, tại những
tỉnh khác đã có những món ăn đặc trưng, mang khẩu vị riêng của địa phương, tồn
tại và nổi tiếng từ lâu. Cụ thể như tỉnh Trà Vinh có món bún nước lèo; tỉnh Sóc
Trăng có bánh pía, bún mắm Sóc Trăng; tỉnh An Giang có món gà nướng lá trúc,
cháo bò của người dân tộc Khmer... Văn hóa ẩm thực, món ăn đặc trưng có vai trò
rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến để thưởng thức, nhớ và muốn
quay trở lại để thưởng thức.
Thứ tư, việc giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh được thực hiện
qua kênh truyền hình của địa phương, trên những trang website của tỉnh, của các
công ty du lịch với những hình ảnh thiếu tính hấp dẫn. Trong khi việc giới
thiệu hình ảnh du lịch qua mạng xã hội như Zalo, Facebook hạn chế mặc dù mang
lại hiệu quả cao.
Hiện nay, tỉnh có 02 trang thương mại điện tử để giới thiệu, quảng
cáo, giao dịch những sản phẩm của tỉnh đó là sàn giao dịch thương mại điện tử
ngành công thương tỉnh Vĩnh Long (https://trade.vinhlong.gov.vn) và sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long (http://nsvl.com.vn). Trên thực tế, khi muốn mua sản phẩm, người tiêu dùng chủ yếu
mua sắm qua trang mạng xã hội như Zalo, Facebook hơn là truy cập vào 02 trang
thương mại điện tử này, điều này làm giảm đi hiệu quả của việc quảng bá sản
phẩm đặc trưng đến người tiêu dùng. Thêm vào đó, chưa xây dựng được một hình
ảnh quảng bá cho tỉnh trong khi những tỉnh khác đã có những “linh vật” biểu
trưng riêng. Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng Bé Sen làm hình ảnh quảng bá cho
tỉnh và hình ảnh Bé Sen đã xuất hiện trên ứng dụng Zalo, điều này góp phần giới
thiệu hình ảnh tỉnh Đồng Tháp cho nhiều người biết thông qua việc ứng dụng tốt
những thành tựu của công nghệ, mặt tích cực của mạng xã hội mang lại.
Thứ năm, về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các làng nghề
truyền thống phục vụ nhu cầu ăn uống trực tiếp của khách du lịch. Như làng nghề
sản xuất bánh tráng cù lao Mây ở huyện Trà Ôn, làng nghề sản xuất bánh tráng
giấy ở huyện Tam Bình... nhiều công đoạn chế biến còn sử dụng thủ công, vấn đề
an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo, cho nên chưa thu hút được khách du lịch
– đặc biệt là du khách nước ngoài.
Ngoài ra, đội ngũ nhân viên phục vụ trong lĩnh vực du lịch của
tỉnh còn thiếu chuyên nghiệp, việc phát triển các loại hình du lịch hiện tại
mang tính manh mún, nhất thời, một số nơi người dân còn “chặt chém”, kèo néo
khách du lịch. Cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế chưa nhiều nên gặp khó
trong việc giữ chân khách du lịch nghỉ qua đêm tại tỉnh.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn
Thứ nhất, tỉnh cần tập trung xây dựng những loại hình du lịch đặc
trưng riêng của tỉnh. Mục đích du lịch là khám phá những điều mới lạ về cảnh
quan thiên nhiên, về món ăn, về con người của địa phương xem khác như thế nào
với nơi khách du lịch sinh sống, địa phương nào tạo ra sự khác biệt, mang đặc
điểm riêng với địa phương khác thì du lịch ở địa phương đó càng phát triển. Do
đó, để phát triển du lịch tiến xa hơn, tỉnh Vĩnh Long cần tập trung phát triển
loại hình du lịch đặc trưng riêng, mang đậm chất của tỉnh mà không nơi nào trên
đất nước Việt Nam có được. Sự khác biệt đó có thể là về món ăn, về loại hình du
lịch, về con người, về quà lưu niệm, về sản phẩm...
Có như vậy mới tạo được ấn tượng thu hút khách du lịch quay trở lại Vĩnh Long.
Thứ hai, thiết lập hình ảnh mang bản sắc riêng, đặc trưng riêng
của tỉnh - một hình ảnh dễ thương, thân thiện dễ đi vào lòng người và gây ấn
tượng khó quên với khách du lịch. Quảng bá hình ảnh, đặc trưng riêng của tỉnh
thông qua các kênh truyền thống và kết hợp với mạng xã hội, từ đó tạo động lực
thu hút, hấp dẫn khách du lịch biết và đến tham quan nhiều hơn. Ngoài ra, có
thể phát triển các món ăn, quà tặng, quà lưu niệm gắn với hình ảnh đặc trưng
này. Chẳng hạn như hiệu quả phát triển du lịch từ việc xây dựng hình ảnh đặc
trưng đã được tỉnh Đồng Tháp khẳng định, thông qua hình ảnh Bé Sen thân thiện,
dễ mến đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan tỉnh để thỏa mãn tâm
lý tò mò về linh vật Bé Sen tượng trưng cho người Đồng Tháp năng động, vui
tươi, dễ mến, thân thiện.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng đối với đội ngũ nhân viên phục vụ
trong lĩnh vực du lịch của tỉnh. Để làm được điều này phải có sự tham gia của
các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Các trường cần chú trọng đến
nâng cao chất lượng, kỹ năng thực hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
vào trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du
lịch và các lĩnh vực khác có liên quan. Các cơ sở đào tạo phải gắn với doanh
nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để học viên vừa học lý thuyết vừa thực
hành; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Thiết nghĩ, biện pháp này
mang lại hiệu quả cao, thiết thực để nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực du
lịch hiện tại của tỉnh, cần tay nghề hơn là lý thuyết.
Thứ tư, cần phải có chế tài đối với trường hợp “chặt chém”, chèo
kéo, chèn ép, đeo bám khách du lịch để xây dựng hình ảnh người dân Vĩnh Long
hiếu khách, thân thiệt, dễ mến, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng
thu hút nhiều khách du lịch đến Vĩnh Long.
Ngoài ra tỉnh cần tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực
du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao nhận thức của
cộng đồng trong việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Với những giải pháp nêu trên, hy vọng sẽ góp phần phát triển du
lịch Vĩnh Long từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như
mục tiêu mà Nghị quyết số 01-NQ/TU đề ra. Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh
Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp, hoạt động của ngành du lịch trong tỉnh và
cả nước còn chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng với những biện pháp phòng, chống dịch
bệnh quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Chính phủ và sự ủng hộ, quan tâm, thực hiện
nghiêm túc của toàn dân, chắc chắn tình hình
dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, ngành du lịch sẽ khôi phục và phát triển tốt hơn
nhiều trong thời gian tới.
[1]Theo báo cáo số 41/KH-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
[2]Theo: https://bvhttdl.gov.vn/phan-dau-dua-du-lich-vinh-long-thanh-nganh-kinh-te-quan-trong 20201015091246513.htm |
ThS. Trần Thị Mỹ Duyên (Khoa Lý luận cơ sở) |