Trang chính
Trang chủ    ¤   Gửi bài    ¤   Lịch học tập    ¤   Kết quả điểm    ¤   Tìm kiếm
 
Thông tin lý luận và thực tiễn Thứ bảy, 7-12-2024

motor Teco

Nhà phân phối motor Teco ở Việt Nam

dong co Siemens

chuyen cung cap dong co Siemens

hạt giống sen mini

chuyên cung cấp hạt giống sen mini Nhật Bản

hoa lan hồ điệp

chuyên cung cấp hoa lan hồ điệp ở TPHCM

shop quần áo đá banh

LONI sport là shop quần áo đá banh ở TPHCM

hoa tuoi

Shop hoa tuoi cung cap hoa tuoi o tphcm

Đặt quần áo đá banh

Chuyên đặt quần áo đá banh ở TPHCM

Giày bóng đá

Cung cấp giày bóng đá giá rẻ ở TPHCM

Hạt giống hoa

Cung cấp hạt giống hoa ở TPHCM - giao hạt giống hoa toàn quốc

kho lạnh

Thiết kế và thi công kho lạnh tiêu chuẩn châu Âu

Màn nhựa PVC

Phân phối màn nhựa PVC Extruflex của Pháp


Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp Xã trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả: Trần Thiện Khiêm

Cấp xã là cấp cuối cùng trong hệ thống chính quyền địa phương ở nước ta, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng của bộ máy nhà nước, là chỗ dựa, là công cụ sắc bén để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cơ sở cho chiến lược ổn định và phát triển đất nước, là yếu tố chi phối mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã còn nhiều hạn chế như: hoạt động của HĐND cấp xã nhìn chung mang tính hình thức; hoạt động của UBND chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, về năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị, văn hoá, an ninh, trật tự, đời sống xã hội ở cơ sở; một bộ phận cán bộ chính quyền cấp xã trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thấp, vẫn còn biểu hiện tiêu cực, quan liêu, xem thường pháp luật, … đã và đang làm giảm lòng tin trong nhân dân dẫn đến những hậu quả xấu về chính trị, xã hội. Vì vậy việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã luôn là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã cần thực hiện các giải pháp sau đây:
- Cần thực sự coi trọng tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp xã.
Tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp xã là vấn đề hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Theo qui định của pháp luật hiện hành thì đại biểu HĐND có những tiêu chuẩn sau đây: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND… (Điều 3 luật bầu cử HĐND năm 2003). Những qui định trên đây là cần cho tiêu chuẩn một người đại biểu của dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước tại cơ sở. Tuy nhiên nó mới chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn chung, cần được cụ thể hóa thành hiện thực, thực tế đòi hỏi ở người đại biểu ở cấp xã đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn tự mình và tổ chức cho mọi người vươn lên làm giàu chính đáng. Với những người có tư duy, năng động, không cam phận sống nghèo khó, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, biết lôi cuốn, thu hút, thuyết phục mọi người làm theo mình, xóa bỏ đói nghèo, thay đổi bộ mặt địa phương, thì đó là đại biểu xứng đáng của nhân dân trong HĐND cấp xã.
Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND cấp xã còn thể hiện ở sự dũng cảm dám đấu tranh thẳng thắn, trung thực, có tổ chức với những biểu hiện tiêu cực như tính cục bộ, những hành vi tham nhũng, quan liêu, cửa quyền hách dịch của những người có chức có quyền trong bộ máy chính quyền cấp xã nhằm làm cho bộ máy trong sạch, hoạt động vì nhân dân.
Đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND là cán bộ chuyên trách của HĐND xã, phường, thị trấn, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp xã, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Thì ngoài tiêu chuẩn chung nói trên còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quyết định số 04/2004/QĐ–BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội Vụ quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là: tuổi đời tối thiểu tham gia lần đầu phải đảm bảo làm việc ít nhất hai nhiệm kỳ. Về học vấn: có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học. Về lý luận chính trị: có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Về  chuyên môn nghiệp vụ: có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, đã qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế, kiến thức và kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND cấp xã.
Với những đại biểu có đủ các tiêu chuẩn trên, HĐND sẽ trở thành một tập thể đại diện mạnh của nhân dân thể hiện được đầy đủ quyền làm chủ đại diện của nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Cho nên việc bầu cử đại biểu HĐND cấp xã không nên nặng về cơ cấu (độ tuổi, giới tính, thành phần…) mà cần thật sự coi trọng tiêu chuẩn, trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của đại biểu.
- Cần có quy định về tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã và người dân trong thành phần HĐND cấp xã.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến vai trò của HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình đó là vấn đề cơ cấu nhân sự của HĐND, là việc bố trí các đại biểu HĐND đồng thời là thành viên UBND và những người phụ trách các công việc chuyên môn của UBND, những người công tác trong tổ chức Đảng, đoàn thể còn lại là các đại biểu trong dân rất ít. Việc bố trí cơ cấu này có những điều bất hợp lý: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chỉ qui định chủ tịch UBND nhất thiết phải là đại biểu HĐND, còn lại các chức danh khác không nhất thiết phải bố trí vào cơ cấu HĐND, xuất phát từ việc phân định thực hiện các chức năng nhiệm vụ của HĐND và UBND là HĐND thực hiện chức năng giám sát toàn bộ hoạt động của UBND, tức là hoạt động của HĐND đảm bảo để UBND thực hiện tốt chức năng quản lý của mình theo đúng tinh thần pháp luật và nghị quyết của HĐND. Vì vậy khi các thành viên và những người phụ trách công tác chuyên môn thuộc UBND đều là đại biểu HĐND sẽ làm lẫn lộn giữa chức năng giám sát với chức năng quản lý của hai cơ quan thuộc chính quyền cấp xã.
 Vì vậy, để có thể nâng cao vai trò của HĐND trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, chức năng luật định, cần cơ cấu HĐND ngoài chủ tịch UBND không nên cơ cấu thêm các thành viên khác, và cần có quy định về tỷ lệ giữa cán bộ xã và người dân trong thành phần HĐND cấp xã để đảm bảo tính khách quan trong biểu quyết nghị quyết của HĐND, khách quan trong hoạt động giám sát của HĐND. Thực hiện đúng theo quyết định số 49/2003/QĐ/TTg ngày 8/01/2003 của Thủ Tướng Chính Phủ: “Giảm tỷ lệ người của các cơ quan hành chính nhà nước ra ứng cử đại biểu HĐND”.
- Để đại diện cho quyền lợi của người phụ nữ trong tổ chức HĐND cấp xã và để giúp cho HĐND quyết định những vấn đề liên quan đến phụ nữ phù hợp với thực tế địa phương, cần phải tăng cường đại diện giới nữ vào HĐND. Theo thống kê thực trạng tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp xã của cả nước 20,10%. So với tỷ lệ nữ trong cộng đồng (51,47%) thì tỷ lệ nữ trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở cơ sở là quá thấp. Do đó cần phải được tăng số lượng đại biểu phụ nữ trong tổng số đại biểu HĐND cấp xã.
- Tăng thời gian cho các cuộc họp HĐND cấp xã.
Kỳ họp HĐND là hình thức hoạt động quan trọng nhất thể hiện vị trí, vai trò, tính chất của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương và tính đại diện của nhân dân địa phương, do đó phải nâng cao chất lượng của các kỳ họp HĐND. Hiện tại theo qui định của pháp luật, một năm HĐND tiến hành hai kỳ họp thường lệ và có thể tiến hành kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề đột xuất tại địa phương. Trong thực tế HĐND chỉ tiến hành các kỳ họp thường lệ còn ít khi tiến hành các kỳ họp bất thường. Mà các kỳ họp chỉ tiến hành trong một ngày, có nơi hơn nửa ngày như vậy thời gian chỉ đủ cho việc nghe các báo cáo sơ kết, tổng kết công tác 6 tháng, một năm của UBND và các bộ phận chuyên môn, còn việc thảo luận, chất vấn, trả lời thắc mắc của cử tri của đại biểu thời gian còn rất ít. Vì thế cần tăng thời gian cho các cuộc họp HĐND để đảm bảo các vấn đề được thảo luận một cách thẳng thắn, dân chủ, tối thiểu là một ngày rưỡi.
- Xác định rõ mục đích, nội dung kỳ họp HĐND và giảm bớt thời gian trình bày các báo cáo.
Để nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND cấp xã, cần xác định rõ mục đích nội dung kỳ họp từ đó cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết, bố trí hợp lý thời gian báo cáo và thảo luận cho mục đích và nội dung đó. Và mỗi kỳ họp cũng chỉ nên tập trung thảo luận và quyết định một vài vấn đề nhất định.
Vai trò của cơ quan thường trực HĐND có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề này. Bộ phận thường trực, mà trước hết là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phải có sự lựa chọn cân nhắc mục đích và nội dung từng kỳ họp, chọn lựa các thông tin cần thiết chuyển trước cho các đại biểu HĐND để các đại biểu chủ động, tranh thủ ý kiến của nhân dân và chuẩn bị ý kiến cho riêng mình. Những kỳ họp bàn những vấn đề mới liên quan đến những quyết định chuyên ngành có thể mời các chuyên gia chuyên ngành cùng dự và nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia trước khi HĐND thảo luận và quyết định. Thực tế hiện nay các xã ở Vĩnh Long số lượng báo cáo đọc trong kỳ họp rất nhiều, nên chăng xem xét và rút gọn tổng hợp lại một số báo cáo chính.
- Cần phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã.
Đối với chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm Bí thư cấp ủy cơ sở, không nên khoán trắng công việc HĐND cho Phó Chủ tịch HĐND mà cần xây dựng kế hoạch phân bổ thời gian hợp lý quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác HĐND
 Để tổ chức kỳ họp HĐND có chất lượng, đạt hiệu quả, vai trò của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND rất quan trọng là người lãnh đạo điều hành kỳ họp, cho nên Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cần chủ động dẫn dắt hướng các cuộc thảo luận vào các mục tiêu cơ bản cần giải quyết; quy định các báo cáo đọc trước kỳ họp phải ngắn gọn, rõ, có các số liệu để so sánh đối chiếu các công việc đã làm được, đặc biệt trình bày các biện pháp đã thực hiện, chưa thực hiện theo nghị quyết của HĐND kỳ họp trước. Những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên khơi gợi những ý kiến mới, sáng tạo, có tính khả thi, tạo không khí tranh luận, phát huy tính sáng tạo và sự đóng góp của các đại biểu; tạo cho các đại biểu dự họp có sự hào hứng, thoả mãn về những quyết định của tập thể và kết quả kỳ họp.
Đồng thời sau mỗi kỳ họp, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND chủ động phối hợp, bàn bạc với lãnh đạo UBND về kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND; tăng cường đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của HĐND, phối hợp với các ban của HĐND cấp xã (nếu có) hoặc thành lập tổ công tác của HĐND tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND và các văn bản pháp luật khác đối với các cơ quan tổ chức đóng trên địa bàn địa phương. Đồng thời mở rộng đối tượng phạm vi giám sát theo quy định của pháp luật.
Chủ động việc tổ chức tiếp dân, đôn đốc kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; có thể trực tiếp tham gia cùng với các cơ quan hữu trách giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở, kịp thời động viên các tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc tích cực tham gia một cách sáng tạo các nghị quyết của HĐND, thông báo về hoạt động của HĐND cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích đại biểu HĐND phát biểu ý kiến thẳng thắn, trung thực.
Xây dựng cơ chế khuyến khích đại biểu tích cực tham gia phát biểu, tranh luận thẳng thắn, trung thực tại kỳ họp, khắc phục tình trạng “nghị gật” của một số đại biểu mà cả nhiệm kỳ không một lần phát biểu ý kiến. Đồng thời, cần hình thành và nâng cao ý thức văn hoá chính trị của người đại biểu nhân dân trong hoạt động. Sớm có cơ chế để sau một thời gian nhất định, những đại biểu không phát huy được vai trò, không hoàn thành trách nhiệm, không còn đủ tư cách, không xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, họ có thể xin từ chức và đây là một việc làm bình thường để nâng cao chất lượng hoạt động của người đại biểu.
Hàng năm nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của cử tri đối với các đại biểu, kết hợp với việc đánh giá của tổ chức để có biện pháp khen thưởng những đại biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đồng thời kiên quyết xử lý các đại biểu vi phạm pháp luật, khi không còn đủ tư cách người đại biểu cần bãi nhiệm họ ra khỏi HĐND.
Đối với bản thân đại biểu HĐND cần luôn luôn ý thức rằng mình là người đại biểu của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước, phải tham dự đầy đủ các kỳ họp HĐND với ý thức tự giác cao, có trách nhiệm thảo luận, đóng góp ý kiến trung thực cho hoạt động của HĐND; thể hiện tinh thần dũng cảm kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực xảy ra tại địa phương; có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết của HĐND và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, phương thức hoạt động của HĐND chủ yếu là thảo luận và quyết định tập thể, thực hiện quyền giám sát thông qua kiểm tra các báo cáo, chất vấn và giải trình chất vấn…
Tại các kỳ họp HĐND, chương trình giám sát cần được dành một thời gian thích đáng cho việc xem xét, thảo luận, đánh giá báo cáo công tác của thường trực HĐND và UBND. Chủ tọa kỳ họp cần hướng dẫn các đại biểu đi sâu thảo luận các vấn đề chủ yếu trong các báo cáo, đánh giá đúng bản chất của vấn đề, tránh lan man không tập trung.
Kỳ họp nên dành một thời gian cần thiết cho chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cần công khai hình thức này trên phương tiện truyền thanh của xã để nhân dân có điều kiện theo dõi. Khi nêu các chất vấn cần rõ ràng, cụ thể, có địa chỉ về người và việc. Chủ tọa kỳ họp yêu cầu người bị chất vấn trả lời trực tiếp trước hội nghị, không nên trả lời bằng văn bản. Tạo điều kiện để tranh luận tại kỳ họp về những biện pháp liên quan, để phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục…
Đại biểu HĐND trong khi giám sát cần xác định đó là trách nhiệm của người đại diện nhân dân trong cơ quan nhà nước trước nhân dân. Hoạt động đó là vì lợi ích của nhân dân, không phải vì lợi ích của một nhóm cá nhân nào. Do vậy, trong hoạt động giám sát, đại biểu phải nghiên cứu, tìm tòi những biện pháp tối ưu đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả; thấu hiểu đối tượng chịu sự giám sát; khi phát hiện ra các vấn đề sai phạm cần thể hiện thái độ cương quyết theo đúng trách nhiệm, không thiên vị, xuê xoa, đồng thời không vì một lý do nào đó mà cường điệu hoá những vi phạm của đối tượng bị giám sát. Điều này đòi hỏi tính công tâm, đúng pháp luật của đại biểu khi làm nhiệm vụ.
Trong hoạt động giám sát, đại biểu HĐND cấp xã nên kết hợp chặt chẽ với các ban thanh tra nhân dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi,… Xây dựng các ban thanh tra nhân dân hoạt động có chất lượng sẽ là một công cụ quan trọng trợ giúp cho các cấp chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội và công dân giảm bớt sai phạm trong quá trình hoạt động, góp phần thiết lập trật tự kỷ cương, bảo đảm lợi ích hợp pháp của mọi công dân tại địa bàn cơ sở. Các đại biểu HĐND phối hợp với các tổ chức đó, vừa hướng dẫn giúp đỡ các tổ chức thanh tra tập trung vào các vấn đề thực hiện pháp luật trên địa bàn, vừa có lực lượng và điều kiện để phát huy quyền giám sát của đại biểu HĐND thuận lợi, có hiệu quả và góp phần quan trọng vào thực hiện chức năng giám sát chung của HĐND.
- Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu HĐND.
rong nhiệm kỳ công tác, đại biểu HĐND cần phải thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, trong đó tập trung chủ yếu vào chương trình bồi dưỡng về Luật Tổ chức HĐND và UBND, các bộ luật, pháp lệnh, quản lý hành chính nhà nước, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của đại biểu HĐND; quy định chế độ hoạt động của HĐND.
Đại biểu HĐND hiện nay hoạt động theo chế độ không chuyên. Họ vừa phải làm việc tại các đơn vị công tác, vừa thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Để đại biểu HĐND vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND, các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cần hết sức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tế tình hình cơ sở theo hướng gần đối tượng, sát nhu cầu của các đại biểu HĐND cơ sở, chú trọng vùng dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND để đại biểu chủ động trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn. Cần bồi dưỡng cho đại biểu các kỹ năng chủ yếu sau:
 + Kỹ năng về xây dựng chương trình hoạt động cụ thể
 + Kỹ năng tiếp xúc cử tri
 + Kỹ năng chất vấn
Trên đây là một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã để đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay.

Đã xem: 18382
Xem bài viết năm:


 Đăng nhập/Đăng ký 
Bí danh
Mật khẩu
Ghi nhớ
 Online 
 Khách: 002
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 002
 Hits 004459449
IP của bạn: 18.97.9.172
Trang chủ    ¤   Gửi bài    ¤   Lịch học tập    ¤   Kết quả điểm    ¤   Tìm kiếm

- Trang thông tin điện tử Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long
- Cơ quan chủ quản: Trường Chính trị Phạm Hùng
- Chịu trách nhiệm: Ban biên tập Trường Chính trị Phạm Hùng
- Địa chỉ : 241 Đinh Tiên Hoàng - Phường 8 - Thành phố Vĩnh Long - Vĩnh Long
- Điện thoại: 02703822315, 0270826098
- Email: tctph.vinhlong@gmail.com