Như chúng ta đã biết một trong những vấn đề cơ bản của việc xác định đường lối, chiến lược phát triển nền kinh tế nước ta là cơ sở xuất phát từ đâu và đi lên bằng cách nào? Câu trả lời cho vấn đề này có thể tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là bắt đầu từ nông nghiệp, nông dân và bằng con đường dẫn dắt nông dân đi vào hợp tác xã tiến lên sản xuất lớn XHCN.
Một đất nước hơn 80% dân số là nông dân, với truyền thống lúa nước mấy nghìn năm, lại có tiềm năng lớn về đất đai, lao động, ngành nghề ở nông thôn… thì câu trả lời như trên là tất yếu cả về lý luận lẫn thực tiễn. Nó đã được Chủ Tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ năm 1960, khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế, Người đã khẳng định rằng: “Nước ta là một nước nông nghiệp…muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính”. Người giải thích rõ: “Vì nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác.Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà. Phải có một nền công nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh”
Theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh, cơ sở khoa học của chủ trương lấy nông nghiệp làm khởi điểm, làm gốc, làm chính là bắt nguồn từ bản thân nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở chỗ:
- Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi sống toàn xã hội. Lao động nông nghiệp được coi là lao động tất yếu của xã hội. An toàn lương thực là điều kiện tiền đề và cơ bản cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, chân lý giản đơn như C.Mác đã chỉ rõ: con người ta trước hết phải có ăn, mặc, ở …rồi mới nói đến làm chính trị, văn học nghệ thật, tôn giáo… khi nước Nga chuyển sang thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới V.I Lênin đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: “vần đề lương thực là vấn đề cơ bản của công cuộc kiến thiết CNXH” và “cần phải lấy lương thực làm khởi điểm, vì gốc rễ của tất cả những khó khăn chính là chỗ đó”. Kế thừa quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin và bắt nguồn từ yêu cầu, đặc điểm nước nhà, Chủ Tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn, mặc, ở… phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là cực kỳ quan trọng”. Người còn nhấn mạnh: “sản xuất lương thực là việc cần thiết nhất cho đời sống của nhân dân, là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế của nhà nước”
- Nông nghiệp, nông thôn cung cấp nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động cho sự phát triển công nghiệp. Sản xuất công nghiệp là đặc trưng cơ bản và là điều kiện tái sản xuất mở rộng, hình thành nền sản xuất hiện đại. Nó chỉ thực hiện được dựa trên những cơ sở do nông nghiệp tạo ra, nhất là cơ sở về nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động “đầu vào” của sản xuất công nghiệp, công nghiệp nước ta hiện nay, chủ yếu là công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp… nên sự hoạt động và phát triển của nó càng tuỳ thuộc lớn vào sự phát triển nông nghiệp, trong việc cung cấp nguyên liệu và giải phóng sức lao động chuyển sang sản xuất công nghiệp, bổ sung cho giai cấp công nhân, phát triển thành thị… Chính ý nghĩa đó mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh”.
- Nông nghiệp cung cấp nguồn hàng xuất khẩu, góp phần tích luỹ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự nghiệp công nghiệp hóa, đưa nền kinh tế sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn hiện đại ở nước ta hiện nay, đòi hỏi phải đẩy mạnh xuất khẩu, để tạo điều kiện nhập khẩu máy móc, công nghệ tiên tiến, trang bị cho các ngành sản xuất. Thực hiện yêu cầu đó, chủ yếu là nhờ phát triển sản xuất: nông, lâm, ngư nghiệp. Đúng như Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ nông sản, để xuất khẩu”.
Nông nghiệp, nông thôn là thị trường rộng lớn tiêu thụ hàng công nghiệp. Thật vậy, nông nghiệp phát triển tạo ra nhu cầu và khả năng thanh toán về tiêu thụ hàng công nghiệp như máy móc, công cụ, phân bón, thuốc trừ sâu, hàng công nghiệp tiêu dùng… Từ đó tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển và đồng thời lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Vế mối quan hệ biện chứng của sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp, V.I Lênin đã từng chỉ giáo rằng: “không thiết lập việc trao đổi hàng hóa hay sản phẩm một cách có hệ thống giữa công nghiệp và nông nghiệp thí không thể có được những mối quan hệ đúng đắn giữa giai cấp vô sản và nông dân và không thể tạo ra được một hình thức liên minh kinh tế hoàn toàn vững chắc giữa hai giai cấp đó trong giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNXH”. Trong nền kinh tế hàng hóa, thị trường, thương nghiệp là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của các ngành sản xuất, nhất là quan hệ thị trường giữa hai ngành kinh tế cơ bản là công nghiệp và nông nghiệp, được Chủ Tịch Hồ Chí Minh coi là hai chân của nền kinh tế. Chúng phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe, đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Sự giúp đỡ lẫn nhau ấy tất yếu thông qua việc tiêu thụ, trao đổi sản phẩm của nhau bằng quan hệ buôn bán, thương nghiệp được Chủ Tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng. Người nói: “trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt đó quan hệ mật thiết với nhau, thương nghiệp đưa hàng đến nông nghiệp – nông thôn phục vụ nông dân; thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh, công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.
Phát triển nông nghiệp toàn diện và mở rộng ngành nghề ở nông thôn, không chỉ nhằm khai thác, tận dụng các yếu tố sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động… mà còn có tác dụng góp phần bảo vệ, giữ gìn và cải tạo môi trường sinh thái, cũng như ảnh hưởng tích cực đến trạng thái tâm lý và thái độ của con người đối với thiên nhiên và xã hội. Chủ Tịch Hồ Chí Minh còn chỉ thị cụ thể rằng: “phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, tuỳ điều kiện của mỗi địa phương mà trồng nhiều lúa và nhiều hoa màu… phải đẩy mạnh ngành chăn nuôi, nghề rừng và phát triển cây công nghiệp. Phải kết hợp chặt chẽ: công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp; sản xuất và chế biến, thương nghiệp và giao thông”
Mặt khác, ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn còn có ý nghĩa về mặt chính trị - xã hội, đó là thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, củng cố liên minh công nông, tạo điều kiện nâng cao dân trí, văn hóa và đời sống chính trị, tinh thần trong xã hội. Điều này đã được chủ tịch hồ chí minh giải thích rõ: “đa số dân ta là nông dân, mỗi việc đều phải dựa vào nông dân, vai trò của nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân, là lực lượng cơ bản cùng với giai cấp công nhân xây dựng CNXH. Kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thực của nông dân, nắm giữ nguyên tắc liên minh công nông thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh”.
Trong tư tưởng về xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, Chủ Tịch Hồ Chí Minh chú trọng mấy vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định sau đây:
Đảm bảo các nguyên tắc và sự lãnh đạo của Đảng.
Tổ chức cho nông dân vào hợp tác xã là con đường duy nhất đúng đắn và cần thiết để dẫn dắt họ cùng với nên kinh tế tiểu nông, phân tán, lạc hậu đi lên sản xuất lớn XHCN. Song biện pháp tiến hành không được áp đặt, cưỡng bức, nóng vội… mà phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc: tự nguyện, quản lý dân chủ, cùng có lợi tiến dần từ thấp đến cao và có sự lãnh đạo của Đảng. Vế vấn đề này Ăng ghen đã chỉ dẫn là phải để cho người nông dân suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình… V.I Lênin cũng đã nhiều lần nhắc nhở: phải kiên trì chờ đợi, thuyết phục, bằng cách nêu gương… không được cưỡng bức nông dân vào các hợp tác xã. Chủ Tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: hễ khi có dịp là giáo huấn động viên nông dân gia nhập, xây dựng hợp tác xã, với tinh thần tự giác và ý thức làm chủ của mình. Người dạy: “phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, các địa phương phải cố gắng làm cho mỗi làng có một vài hợp tác xã thật tốt để làm kiểu mẫu cho những hợp tác xã sẽ tổ chức sau, cần phải nêu cao tính chất hơn hẳn của hợp tác xã bằng những kết quả thiết thực làm cho thu nhập của xã viên được tăng thêm, làm cho xã viên sau khi vào hợp tác xã thu hoạch nhiều hơn hẳn khi còn ở ngoài. Như thế thì xã viên sẽ phấn khởi, sẽ gắn bó chặt chẽ với hợp tác xã của mình. Đó là phương pháp tuyên truyền thuyết phục tốt nhất để khuyến khích nông dân vào hợp tác xã, còn đối với những người chưa vào hợp tác xã cũng không được gò ép và không được coi thường họ. Trái lại, phải gần gũi, giúp đỡ họ. Hợp tác xã đoàn kết chặt, sản xuất tốt, thu nhập cao, họ nhận thấy hợp tác xã là hơn hẳn thì họ sẽ tự nguyện xin vào”
Đồng thời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức nhấn mạnh các chi bộ, Đảng bộ lãnh đạo phong trào hợp tác xã nghiệp và động viên đoàn viên thanh niên phải gương mẫu đi đầu để lôi kéo quần chúng tham gia hợp tác xã.
Vấn đề tổ chức và quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh, hợp tác xã là hình thức tổ chức kinh tế mang tính hiệp hội của những người nông dân, được hình thành và phát triển do nhu cầu và lợi ích thiết thực của họ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Do vậy, việc tổ chức sản xuất và công tác quản lý ở đây phải thật sự dân chủ và công khai, minh bạch. Mọi xã viên đều có quyền và trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động của hợp tác xã, cũng như được biết, được bàn, được kiểm tra các quan hệ kinh tế - tài chính trong hợp tác xã của mình. Người khẳng định rằng: “quản lý tốt thì hợp tác xã phát triển tốt và ngày càng củng cố. Quản lý kém thì xã viên không phấn khởi, không đoàn kết và hợp tác xã không phát triển được. Vì vậy, phải ra sức cải tiến việc quản lý hợp tác xã, đồng thời nhấn mạnh quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai, sổ sách phải minh bạch.
Hết sức chú trọng công tác cán bộ hợp tác xã.
Nhân dân ta thường nói: Cán bộ nào phong trào ấy! Phong trào hợp tác xã nông nghiệp tuỳ thuộc rất lớn, có ý nghĩa quyết định ở công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, ở ban quản trị hợp tác xã. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Điều quan trọng bậc nhất hiện nay để phát triển mạnh nông nghiệp là chỉnh đốn các ban quản trị hợp tác xã cho thật tốt. Ban quản trị tốt thì hợp tác xã tốt… Chìa khóa của việc phát triển nông nghiệp là chỉnh đốn tốt ban quản trị hợp tác xã”. Người yêu cầu phẩm chất của cán bộ quản lý hợp tác xã phải có: Ban quản trị phải thật dân chủ, thật công bằng, một lòng một dạ phục vụ lợi ích của xã viên và hợp tác xã.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong những năm gần đây, mặt trận nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhưng muốn hoàn thành cơ bản sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020, chúng ta cần phải cố gắng rất nhiều. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp thì những tư tưởng về kinh tế nói chung, tư tưởng về phát triển nông nghiệp và hợp tác xã nói riêng mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy cách đây hơn bốn thập kỷ vẫn là những bài học quý giá cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách thiết thực và sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta hiện nay.