Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người luôn luôn quan tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ đảng viên là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân gắn bó máu thịt với nhân dân. Suốt đời đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của dân tộc. Chính điều ấy mà Người tập hợp được sức mạnh của toàn dân trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lê Nin và coi chủ nghĩa Mác-Lê Nin là kim chỉ nam mọi hành động của Đảng. Bởi vì chủ nghĩa Mác-Lê Nin là một học thuyết cách mạng và khoa học, dựa vào những thành tựu khoa học và công nghệ do loài người tạo ra, nó gắn liền với thực tế cuộc sống, chỉ ra con đường đấu tranh của giai cấp công nhân chống áp bức bóc lột nhằm để giải phóng cho mình và giải phóng cho xã hội.
Hồ Chí Minh khẳng định không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ có theo lý luận cách mạng tiền phong, Đảng cách mạng mới làm nổi cách mạng tiền phong. “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhứt, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê Nin”. Qua đó ta thấy rằng Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở cán bộ đảng viên phải lấy chủ nghĩa Mác-Lê Nin làm kim chỉ nam cho mọi hành động, phải biết vận dụng sáng tạo chứ không phải giáo điều theo từng câu từng chữ. Điều đó có nghĩa là không rập khuôn máy móc, mà phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác. Mặt khác phải biết tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm hệ thống thành lý luận làm phong phú kho tàng lý luận Mác-Lê Nin.
Học chủ nghĩa Mác-Lê Nin là phải biết vận dụng, xử lý vào từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng sự vật, hiện tượng, từng lúc từng nơi, từng việc từng người. Ngăn ngừa đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực sai trái.
Sinh thời Hồ Chí Minh rất quan tâm tới các tổ chức sinh hoạt Đảng nhằm để xây dựng Đảng thành một tổ chức chính trị trong sạch vững mạnh. Muốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cần đảm bảo nguyên tắc.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn của Đảng ta, không có tập trung thì không có dân chủ, bởi vì tập trung và dân chủ là hai mặt thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Có phát huy dân chủ trong Đảng thì mới có dân chủ trong xã hội. Tuy nhiên, dân chủ phải nằm trong một khuôn khổ nhất định.
Tập thể lãnh đạo theo Hồ Chí Minh, một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét được tất cả mọi mặt. Vì vậy, cần phải có nhiều người, nhiều kinh nghiêm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì thấy rõ mặt khác, góp kinh nghiệm và xem xét của nhiều người thì vấn đề đó được thấy rõ, và việc giải quyết sẽ khỏi sai lầm.
Vì sao cần phải có cá nhân phụ trách, mọi việc khi đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng thống nhất thì phải giao cho một cá nhân hoặc nhóm người phụ trách để họ có trách nhiệm và chịu trách nhiệm thì công việc mới trôi chảy. Nếu không có cá nhân phụ trách, trông chờ ỷ lại vào nhau như thế thì việc gì cũng không xong.
Vì thế, cho nên lãnh đạo cần phải tập thể, phụ trách cần phải cá nhân. Lãnh đạo không tập thể dễ dẫn đến chủ quan, phụ trách không cá nhân thì chồng chéo, kết quả không cao. Tuy nhiên, có những chuyện nhỏ nhặt cá nhân có thể giải quyết được thì không nên chờ đưa ra tập thể bàn bạc làm mất thời gian công sức, ngược lại có những chuyện quan trọng cần đến tập thể giải quyết, thì không để cá nhân tự ý quyết định.
Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung.
Ngoài nguyên tắc trên trong tổ chức xây dựng Đảng còn có nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng của Đảng ta. Bác Hồ cho rằng mọi người ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm, vì vậy cần phải giúp đỡ lẫn nhau để phát huy ưu đểm và hạn chế những thiếu sót. Muốn làm được điều đó thì phải biết tự phê bình và phê bình. Phê bình là nêu ưu điểm và vạch ra khuyết đểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Phê bình và tự phê bình phải đi đôi với nhau, làm cho mọi người học tập ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa khuyết điểm.
Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi cán bộ đảng viên phải có thái độ thành khẩn, trung thực và kiên quyết, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng khách quan, phê bình phải mang tính văn hóa, mang tính xây dựng, Người căn dặn mục đích phê bình cốt để sửa chữa, cốt để giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc tốt hơn, đúng hơn, cốt để đoàn kết thống nhất nội bộ.
Như vậy, để xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, các tổ chức cơ sở Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lê-Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động và phải trung thành đúng nguyên tắc tổà chức sinh hoạt Đảng, làm cho Đảng đủ tư cách vươn lên làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Để làm tròn trách nhiệm này người cán bộ đảng viên phải là người tận trung với nước, tận hiếu với dân, thì nhất định nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trong điều kiện Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì những cám dỗ vật chất đời thường, những căn bệnh công thần địa vị, độc đoán chuyên quyền luôn là nguy cơ làm biến chất Đảng. Vì thế, cán bộ đảng viên cần phải thường xuyên học tập, phấn đấu rèn luyện suốt đời về những chuẩn mực đạo đức cách mạng như Bác nói:” Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh ngoài đạo đức là cái gốc, cán bộ đảng viên phải có tài năng để lãnh đạo cách mạng. Người cho rằng có tài mà không có đức thì sẽ hại cho dân, ngược lại có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Trong giai đoạn hiện nay cán bộ đảng viên phải có nhân cách, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, lời nói đi đôi với việc làm, phải hiểu biết lý luận cách mạng, lý luận và thực hành phải đi đôi với nhau.
Ngoài ra, bên cạnh lợi ích của bản thân, mỗi cán bộ đảng viên còn phải vì lợi ích của quốc gia dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào no ấm. Phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, phải vì con người vì dân tộc. Đảng ta luôn luôn đứng về phía quần chúng, phải đem tinh thần yêu nước, chuẩn mực đạo đức cần kiệm liêm chính mà giáo dục cán bộ, nhân dân.
Sức mạnh của Đảng phải được tạo ra chính ngay lý tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật và ý thức tự giác của mỗi đảng viên đối với trách nhiệm trước nhân dân. Chỉ có như vậy mỗi cán bộ Đảng viên mới có đủ sức mạnh và niềm tin sẵn sàng cống hiến cho mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc. Người cán bộ đảng viên phải luôn luôn gắn bó quan hệ mật thiết với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng thì phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó và phải thật sự hiểu quần chúng nhân dân và phục vụ nhân dân có như vậy thì dân chúng mới tin tưởng, đồng lòng ủng hộ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ đảng viên phải là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo là một tư tưởng vô cùng sâu sắc, chỉ ra cách thức lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của cán bộ đảng viên đối với tổ quốc đối với nhân dân, nhằm xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ của một Đảng cầm quyền, góp phần giáo dục thế hệ trẻ đủ niềm tin đi vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.