Ở Việt Nam ta từ xưa tới nay thầy cô giáo luôn được quý trọng và tôn vinh nó trở thành truyền thống, thành nét đẹp văn hoá của dân tộc ta; thể hiện điều đó trong dân gian đã ưu ái dành cho các thầy cô biết bao câu nói rất dễ thương và rất truyền cảm nào là “không thầy đố mày làm nên”, “quân, sư, phụ” (trên vua, kế đến là thầy, cha ở vị trí thứ ba); còn các nhà Nho lại dùng câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy); cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. . .
Xác định được vai trò chức năng quan trọng của mình trong xã hội và luôn được xã hội quý trọng cho nên các thế hệ thầy cô giáo xưa cũng như nay luôn tu dưỡng đạo đức phẩm chất để ngày càng xứng đáng hơn với vị trí mà xã hội đặt để cho mình – kỹ sư tâm hồn. Thể hiện ý chí ấy trong thực tế có biết bao tấm gương mẫu mực trong đội ngũ thầy cô giáo; họ một lòng một dạ vì sự nghiệp trồng người; ngày càng biểu lộ rõ tinh thần lời chỉ dạy của cố tổng bí thư Lê Duẩn: càng yêu người bấy nhiêu, ngày yêu nghề bấy nhiêu, thời đánh tây, đánh Mỹ giáo viên luôn bám trường bám lớp, vừa dạy chữ vừa có các giải pháp bảo vệ mạng sống cho học sinh thân yêu của mình cũng không ít thầy giáo hy sinh vì sự nghiệp cao cả ấy; sau ngày miền Nam giải phóng đặc biệt là thời bao cấp kinh tế khó khăn thiếu thốn trăn bề nhưng lớp lớp thầy cô giáo tình nguyện đi đến vùng khó nhất vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo để đem cái chữ đến cho trẻ con, đến với đồng bào đồng chí mình; lúc này đồng lương khó mà nuôi sống mình mà biết bao giáo viên tự xoay sở cuộc sống vừa đảm bảo sự trong sạch của người kỹ sư tâm hồn vừa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, nhiều thầy cô giáo bám trụ nơi xa xôi hẻo lánh ấy một thời gian khá dài, có người tìm cách an cư để lạc nghiệp. . . Chỉ lấy cái mốc 30 năm thống nhất đất nước ngành giáo dục nói chung, thầy cô giáo nói riêng đã dìu dắt chắp cánh cho nhiều tốp học sinh của mình trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt. . . đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào tiến trình đi lên của đất nước; thật đáng tự hào và thật xứng đáng với sự quý trọng tôn vinh của xã hội từ bấy lâu nay đối với bậc làm thầy.
Rất tiếc và đáng buồn vì nhiều lý do khác nhau đã đẩy một số thầy cô giáo vấp ngã, rơi vào con đường tiêu cực – gian lận học đường mà báo chí và dư luận xã hội đã phanh phui!
Mừng ngày nhà giáo năm nay (20/11/2006) trong tâm tư tình cảm của thầy cô giáo không sao tránh khỏi sự chạnh lòng bởi các tiêu cực từ chính từ một số đồng nghiệp của mình gây nên. Nhưng với nỗi mừng vui lớn bao trùm vì hiện nay ngòi pháo chống tiêu cực trong giáo dục – gian lận học đường nở rộ khắp mọi nơi trong cả nước; đã có nhiều thầy cô giáo dám dũng cảm đứng lên đấu tranh bảo vệ lẻ phải bảo vệ chân giá trị thiêng liêng của các nhà giáo đã từng được xã hội ngợi khen. Tiếng nói của họ lúc đầu nhỏ lẻ rời rạc nhưng bây giờ nó đã hoà cùng dòng thác chống tham nhũng tiêu cực chung của cả nước trong đó có ngành giáo dục đào tạo, họ đã “đồng lòng nói không với tiêu cực; 64 sở giáo dục đào tạo trong cả nước ký tên trong bảng cam kết gởi đến các vị lãnh đạo chủ chốt ở trung ương với các nội dung chính: “không chấp nhận, không tiếp tay cho gian lận thi cử, không chấp nhận chạy theo thành tích trong đánh giá các cơ sở giáo dục – đào tạo””. Đây là phong trào mà ngành giáo dục khởi xướng nhưng được đồng tình ủng hộ rất cao của lãnh đạo trung ương, các cấp ủy và chính quyền địa phương nhiều nơi đã biến thành nghị quyết thành chương trình hành động để điạ phương mình thực hiện và được dư luận xã hội nói chung, những người tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục nói riêng rất đồng tình ủng hộ.
Những tín hiệu khởi sắc nêu trên chính là chỗ dựa niềm tin vững chắc của thầy cô giáo và chính đây là món quà quý giá mừng ngày nhà giáo năm nay càng trọng đại và sâu sắc hơn./.