Biết bao vẻ đẹp người thầy mà xã hội tôn vinh không chỉ thể hiện ở thời bình mà thời chiến, các giáo viên kháng chiến càng có những nét đẹp độc đáo. Ở đây người viết muốn nêu một số nét để minh họa dáng vóc vẻ đẹp ấy như :
+ Người giáo viên kháng chiến ngoài đạo đức, phẩm chất cách mạng trong sáng còn đòi hỏi người giáo viên ấy có vốn “đa năng” :
- Trước hết là phải làm công tác dân vận khéo để vận động họ thực hiện các yêu cầu mà nhà trường cần đến họ.
- Để vận động bà con đưa con em đến trường, đa số con em họ dốt nhưng vẫn còn một số “lấy giạ đong lúa, ai lấy giạ đong chữ”, nếu thầy giáo không biết làm công tác dân vận để vận động quần chúng cùng với giáo viên làm ra mái trường vì trong căn cứ kháng chiến ít khi có trường sẵn chờ thầy, thường thầy phải vận động xây cất; có khi một năm phải xây cất năm lần, ba lượt vì bom pháo làm hư sập trường, giặc càn đốt phá . . .cho nên thầy phải biết làm trường và vận động dân cùng làm.
- Còn phải vận động dân cùng thầy đào hầm trú ẩn bom pháo cho học sinh, một mình thầy giáo đào làm sao nổi hàng chục cái hầm nên phải có sức đóng góp của dân (chủ yếu là phụ huynh học sinh).
- Người thầy phải biết “điều binh khiển tướng”, khi có giặc, có pháo uy hiếp đến tánh mạng học sinh thì giáo viện phải biết điều khiển các em từng tốp, từng tốp thứ tự ra hầm trú ẩn hoặc tản cư, hoặc trở về nhà các em.
- Rồi người thầy còn biết lao động tăng gia sản xuất, tự túc tự cấp ở chừng mực nhất định. Vì thời chiến có những trường rất cơ động, họ sống như một đơn vị độc lập (ở miền Tây Nam bộ có trường Lý Tự Trọng, trường Ninh Bình . . .) nằm trong dạng đó cho nên từng lúc phải tự lao động sản xuất giải quyết một phần khó khăn cuộc sống, lúc cấp trên chưa lo kịp.
+ Người giáo viên kháng chiến thường đương đầu khó khăn thiếu thốn mà họ đủ sức vượt qua để làm tròn phận sự.
- Đa số giáo viên kháng chiến gần đúng với câu nói của Bác Hồ :người biết hai chữ dạy người biết một chữ. Nhưng khó có điều kiện nâng lên trình độ học vấn trong hoàn cảnh kháng chiến (cũng có nhưng tỷ lệ rất khiêm tốn).
- Về trình độ chuyên môn (sư phạm) ít có giáo viên nào có vốn ấy bài bản, cùng rơi vào cái cảnh người biết năm ba chữ dạy người chưa biết hoặc biết một vài chữ và họ chỉ có lòng nhiệt huyết, còn vốn liếng kiến thức “chữ và nghề” đều yếu thiếu.
- Sách vở, giấy viết . . .phục vụ cho dạy và học luôn là khâu khan hiếm triền miên; nhiều lúc giáo viên phải tự bóp óc “nặn” ra bài giảng cho học sinh mình.
- Nơi ăn chốn ở nơi làm việc của giáo viên đều trong trạng thái dã chiến.
- còn chế độ thù lao, bồi dưỡng cho giáo viên thì cũng như bao chiến sĩ cách mạng thời chiến vậy thôi . . .
Những nét nêu trên đã minh họa một phần về những nét đẹp của người thầy trong kháng chiến, họ lúc nào cũng mang trong tim mình lòng yêu nước nồng nàn, lòng yêu nghề tha thiết. Chính họ đã đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng kháng chiến ở các thế hệ được nâng cao trình độ học vấn, giúp cho họ có điều kiện hiểu sâu đường lối nghị quyết của Đảng và các kiến thức cần thiết khác trong kháng chiến. Chính đội ngũ cán bộ được qua cánh cửa đào tạo bồi dưỡng nâng cao học vấn trong kháng chiến sau ngày miền Nam giải phóng họ tiếp tục phát huy vai trò, vị trí mới của mình rất thuận lợi. Và chính từ thành tựu ấy mà giáo viên kháng chiến phấn đấu mang lại đã đưa họ vào đội ngũ người thầy mà từ lâu xã hội hằng tôn vinh./.