Trang chính
Trang chủ    ¤   Gửi bài    ¤   Lịch học tập    ¤   Kết quả điểm    ¤   Tìm kiếm
 
Thông tin lý luận và thực tiễn Chủ nhật, 24-11-2024

motor Teco

Nhà phân phối motor Teco ở Việt Nam

dong co Siemens

chuyen cung cap dong co Siemens

hạt giống sen mini

chuyên cung cấp hạt giống sen mini Nhật Bản

hoa lan hồ điệp

chuyên cung cấp hoa lan hồ điệp ở TPHCM

shop quần áo đá banh

LONI sport là shop quần áo đá banh ở TPHCM

hoa tuoi

Shop hoa tuoi cung cap hoa tuoi o tphcm

Đặt quần áo đá banh

Chuyên đặt quần áo đá banh ở TPHCM

Giày bóng đá

Cung cấp giày bóng đá giá rẻ ở TPHCM

Hạt giống hoa

Cung cấp hạt giống hoa ở TPHCM - giao hạt giống hoa toàn quốc

kho lạnh

Thiết kế và thi công kho lạnh tiêu chuẩn châu Âu

Màn nhựa PVC

Phân phối màn nhựa PVC Extruflex của Pháp


Để xứng đáng với tên gọi Trường Chính trị Phạm Hùng Tỉnh Vĩnh Long
Tác giả: Nguyễn Thanh Hào

Sau ngày Đồng khởi ở Bến Tre (17/1/1960) nổ ra và giành thắng lợi, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Vĩnh Long nỗi dậy diệt ác, phá kìm. Trước tình hình đó Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định mở lớp huấn luyện cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các xã có lõm giải phóng, để lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ, chuẩn bị cho cuộc đồng khởi của tỉnh nhà. Trên cơ sở chuẩn bị về mặt tổ chức và các điều kiện cần thiết cho việc mở lớp, ngày 25/3/1960 tại Kinh Cũ gần ngã ba Mười Thới, xã Tân Quới (nay là xã Tân Thành) huyện Bình Minh đã khai giảng lớp huấn luyện đầu tiên. Và chính ngày 25/3/1960 là ngày lịch sử truyền thống của Trường chính trị ( Trường Đảng tỉnh). Hơn bốn mươi năm qua (1960-2004) dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trường không ngừng phát triển, trưởng thành và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước, của tỉnh, đã góp phần vào việc đào tạo, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của tỉnh nhà, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước.
Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, gian khổ, hy sinh, địa điểm mở lớp phải thường xuyên di dời liên tục, có những lúc phải vượt qua những chặng rào gai của ấp chiến lược, vừa tham gia cùng bộ đội chiến đấu đánh địch chống càn, nhưng vẫn đảm bảo phục vụ mở lớp theo yêu cầu. Nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Tỉnh ủy và quyết tâm vượt mọi khó khăn ác liệt của đội ngũ cán bộ khung trường từ 1960 - 1975 trong thời gian mười sáu năm đó Trường đã mở được trên 50 lớp bồi dưỡng với hơn 1.600 lượt cán bộ, đảng viên cốt cán của Đảng theo học. Từ năm 1976 đến nay, Trường đã đào tạo hơn 10.000 lượt cán bộ có trình độ đại học, cao cấp, trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng hơn 20.000 lượt cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở xã, phường, thị trấn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, có năng lực lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở địa phương. Nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ các chức vụ quan trọng ở ngành tỉnh, huyện, thị, xã, phường, thị trấn… Tuy so với yêu cầu còn hạn chế, nhưng cũng đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng tỉnh nhà giành thắng lợi vẻ vang và công cuộc xây dựng đất nước.
Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng và phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, của tỉnh nhà, tên trường cũng đã thay đổi nhiều lần cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Năm 1960-1975, Trường có tên là Trường Đảng tỉnh Vĩnh Long, đến năm 1977 sau khi hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập thành tỉnh Cửu Long, Trường Đảng của hai tỉnh cũng được hợp nhất và lấy tên là Trường Đảng cơ sở Nguyễn Việt Châu (tên đồng chí Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long năm 1957-1961) hai năm sau, năm 1979 trường đổi tên lại là Trường Đảng tỉnh Cửu Long cho đến năm 1991. Để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà, năm 1986 Ban thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long quyết định thành lập Trường Lý luận chính trị tại chức, nhưng Trường này chỉ hoạt động được một năm (1/1986-2/1987) thì có quyết định sáp nhập vào Trường Đảng. Năm 1989, thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên Huấn Trung ương (nay là Ban tư tưởng văn hóa trung ương), Tỉnh ủy quyết định thành lập Trung tâm giáo dục chính trị (Ban Tuyên giáo) có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, phổ cập lý luận chính trị, quan điểm đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho cán bộ đảng viên, cán bộ ngoài đảng và nhân dân (ngoài đối tượng đào tạo của Trường Đảng). Năm 1991 thực hiện quyết định sô: 103/QĐ.TW của Trung ương và quyết định số: 646/QĐ.TU, ngày 25/10/1991 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long, sáp nhập Trung tâm giáo dục chính trị với Trường Đảng lấy tên là Trường lý luận chính trị Cửu Long.
Sau khi chia, tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh (1992) Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định số: 50/QĐ.TU, ngày 20/11/1992 sáp nhập 03 Trường (Trường Lý luận chính trị, Trường Quản lý Nhà nước, Trường Đoàn thể) đổi tên thành Trường Đào tạo cán bộ tỉnh Vĩnh Long, đến năm 1993 thực hiện Quyết định số: 61/QĐ-TW của Bộ chính trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ra quyết định số: 362/QĐ.UBT, ngày 09/7/1993 đổi tên Trường Đào tạo cán bộ thành Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long cho đến ngày nay. Lịch sử truyền thống của Trường Chính trị tỉnh hơn bốn mươi lăm năm qua đã sáp nhập nhiều Trường và đổi tên nhiều lần, ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức - cán bộ, thời gian ổn định công việc … 
Xuất phát từ đề nghị của một số đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh, các đồng chí cách mạng lão thành, cũng như nguyện vọng của các đồng chí đã từng công tác trong ngành Tuyên huấn, Trường Đảng nhiều năm, nay đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác khác mong muốn được đặt tên Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long thành tên Trường Chính trị Phạm Hùng, như một ghi nhận công lao to lớn của đồng chí, mặt khác nhằm góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ trẻ sau nầy hiểu và tiếp tục học tập, noi gương theo sự nghiệp cách mạng cao cả của thế hệ cha anh để lại, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Long nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Đồng chí Phạm Hùng là một người con ưu tú của dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người con yêu quý của quê hương Vĩnh Long. Tên thật của đồng chí là Phạm Văn Thiện sinh ngày 11/6/1912  tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, năm 1928 (16 tuổi) đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh của tổ chức "Nam kỳ học sinh liên hiệp hội", "Thanh niên cộng sản đoàn". Năm 1930 đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, hoạt động kinh qua các cấp ủy xã, huyện ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho; năm 1931 đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình, nhưng do phong trào đấu tranh trong nước và ở Pháp buộc chúng phải hạ mức án xuống còn khổ sai đài ra Côn Đảo. Năm 1945 Cách mạng tháng tám thành công, đồng chí thoát khỏi nhà tù trở về hoạt động cách mạng và được bầu vào Xứ ủy Nam bộ; năm 1946 đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam bộ. Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; năm 1952 khi thành lập Trung ương cục miền Nam, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Trung ương cục miền Nam, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam, kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Năm 1954 khi hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký kết, đồng chí làm Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ; năm 1955 đồng chí làm Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ tại Sài Gòn. Năm 1956 tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đồng chí được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị và làm Trưởng Ban thống nhất Trung ương; năm 1957 đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Năm 1958, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng; tháng 4 năm 1958 đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1960 đồng chí được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1967 đồng chí được phân công về làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, Việt Nam. Năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí giữ chức vụ Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1976 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị, được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến năm 1980 đồng chí được phân công kiêm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tháng 3/1982 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ủy viên Bộ Chính trị; Quốc hội khoá 8 kỳ họp thứ  nhất (6/1987) đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Thủ tướng Chính phủ) đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII và khóa VIII. Với những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp tăng cường mối quan hệ đoàn kết quốc tế, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều huân chương khác. Đồng chí được Nhà nước Liên bang Xô Viết, Nhà nước Cộng hòa Cuba, Nhà nước Cộng hòa xã hội  chủ nghĩa Tiệp Khắc, Nhà nước cộng hòa nhân dân Bungari … tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Đồng chí là tấm gương sáng nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, uy vũ không khuất phục, khi ở cương vị cao của Đảng và Nhà nước đồng chí không quản khó khăn bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước sau chiến tranh và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đem hết sức lực, trí tuệ hoàn thành xuất sắc công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng.
Việc xin đổi tên Trường Chính trị thành Trường Chính trị Phạm Hùng, một mặt là nhằm ổn định tên Trường lâu dài, mặt khác là Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long ghi nhớ công lao của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người con yêu quý của quê hương Vĩnh Long, đã liên tục hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng gần 60 năm không mệt mỏi vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng cộng sản cao đẹp, là một tấm gương sáng, một bài học lớn để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Vĩnh Long về lòng trung thành với Đảng, tận tuỵ với nước, với dân, về phẩm chất chính trị vững vàng, năng lực hoạt động và đạo đức, lối sống trong sạch của đồng chí. Thực hiện quyết định số: 88-QĐ/TW, 05/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về việc thành lập Trường Chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và  hướng dẫn số: 07-CT/TW, 28/7/ 1995, của Ban tổ chức Trung ương, hướng dẫn thực hiện quyết định số 88 của Ban Bí thư. 
Được sự chấp thuận của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số: 266-CV/TU, ngày 23/10/2003 thống nhất việc lấy tên một đồng chí cán bộ tiêu biểu đặt tên Trường và ngày 26/11/2003 Trường Chính trị tổ chức cuộc Hội thảo khoa học, bàn về việc chọn một cán bộ tiêu biểu, người của quê hương Vĩnh Long xứng đáng để đặt tên Trường, thành phần tham dự có hơn 30 đồng chí là cán bộ cách mạng lão thành của tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo các Trường (Trường Đảng, Trường quản lý nhà nước, Trường Đoàn thể) nay đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác khác đến dự và cho ý kiến tham luận, hầu hết các đồng chí đều thống nhất cao lấy tên đồng chí Phạm Hùng đặt tên Trường là phù hợp. Tại phiên họp của Ban thường vụ tỉnh ủy, ngày 28/1/2004 đồng ý đặt tên Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long thành Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long. Trên cơ sở Đề nghị của Ban thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Long và Ban Tổ chức Trung ương, tại phiên họp ngày 22/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) "Đồng ý đặt tên Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long là Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long". Theo công văn số: 5303-CV/VPTW, ngày 26/4/2004 của Văn phòng Trương Đảng và công văn số: 1521-CV/TCTW, ngày 4/5/2004 của Ban Tổ chức Trung ương, Thông báo ý kiến của Ban Bí thư.
Trường Chính trị Vĩnh Long được mang tên Phạm Hùng, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề đối với đội ngũ cán bộ, công chức của Trường. Để xứng đáng với tên gọi của Trường Chính trị Phạm Hùng, mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã gởi gắm, đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, thật sự là người cán bộ, giáo viên tiêu biểu, gương mẫu trong mọi mặt hoạt động, có bản lỉnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với chủ nghĩa xã hội, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải nói và làm theo nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Từng bước xây dựng Trường chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long thật sự là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở địa phương và đào tạo ra một đội ngũ cán bộ trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sạch, có năng lực thật sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công trong giai đoạn cách mạng mới ở địa phương. 

Đã xem: 3601
Xem bài viết năm:


 Đăng nhập/Đăng ký 
Bí danh
Mật khẩu
Ghi nhớ
 Online 
 Khách: 003
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 003
 Hits 004450781
IP của bạn: 18.117.71.213
Trang chủ    ¤   Gửi bài    ¤   Lịch học tập    ¤   Kết quả điểm    ¤   Tìm kiếm

- Trang thông tin điện tử Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long
- Cơ quan chủ quản: Trường Chính trị Phạm Hùng
- Chịu trách nhiệm: Ban biên tập Trường Chính trị Phạm Hùng
- Địa chỉ : 241 Đinh Tiên Hoàng - Phường 8 - Thành phố Vĩnh Long - Vĩnh Long
- Điện thoại: 02703822315, 0270826098
- Email: tctph.vinhlong@gmail.com