Theo tinh thần Chỉ thị số 10/2005/CT-UB, ngày 10/5/2005 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện chương trình đào tạo sử dụng hệ thống thông tin điện tử của Ban điều hành đề án 112 Chính Phủ. Ban điều hành Đề án 112 của tỉnh phối hợp với Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long và Trường Cao Đẳng kinh tế - Tài chính tỉnh Vĩnh Long triển khai chương trình đào tạo. Đây là cuộc triển khai sâu, rộng cho các đối tượng là cán bộ công chức hành chính trong tỉnh. Chương trình đào tạo gồm 8 Môđun, tổng thời gian 19 ngày, nội dung xoay quanh các vấn đề cơ bản:
- Kiến thức và kỹ năng chung về máy tính: Giúp cho học viên tiếp cận và hệ thống hóa kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin.
- Kỹ năng tin học văn phòng cơ bản: hướng dẫn kỹ năng chung về cách soạn thảo và trình bày văn bản; sử dụng và xử lý các bài toán cơ bản trong quản lý lương, tài chính …
- Khai thác thông tin điện tử: Giới thiệu về mạng máy tính và internet; sử dụng các dịch vụ Web và thư điện tử; cổng dịch vụ chính phủ điện tử và hệ thống thông tin tác nghiệp.
Về nội dung chương trình thật sự không mới. Nhưng có thể nói, đây là một chương trình đào tạo khá bài bản, được xây dựng dành cho đối tượng là những người sử dụng máy tính có thể tiếp cận và hệ thống hóa, đồng thời bổ sung thêm các kiến thức mới, nhằm tạo mặt bằng kiến thức và kỹ năng ứng dụng tin học cho đội ngũ cán bộ công chức hành chính. Cái được lớn nhất là khơi dậy nhận thức cho người học, là điều kiện cần để học viên có thể tiếp cận và sẵn sàng tham gia vào việc ứng dụng tin học hóa trong quản lý hành chính nhà nước. Mặt khác, qua khóa học còn giúp cho học viên có cái nhìn đúng đắn, nghiêm túc về công nghệ thông tin nói chung cũng như máy tính, đã trở thành công cụ không thể thiếu trong thời đại ngày nay, nhất là trong giai đoạn chương trình cải cách hành chính của Chính phủ đã được tổ chức đồng bộ trên quy mô cả nước.
Như chúng ta đã biết, hệ thống thông tin đã được xây dựng thông suốt từ Trung ương đến địa phương theo một chuẩn về các quy trình, trong đó có chuẩn về kiến thức tin học cho cán bộ công chức. Bởi lẻ, một hệ thống vận hành tốt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực sử dụng và khai thác trong hệ thống đó. Thực vậy, việc triển khai chương trình đào tạo Đề án 112 lần này tạo nền tảng định hướng cho việc thực hiện mục tiêu phát triển tin học hóa trong giai đoạn kế tiếp (2006-2010).
Từ ý nghĩa quan trọng đó, thời gian vừa qua UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo tập trung đào tạo chương trình Đề án 112. Theo kế hoạch đến 31 tháng 11 năm 2005 sẽ đào tạo khoảng 60% cán bộ công chức hành chính trong tỉnh. Tạo luồng sinh khí mới nhằm khơi dậy nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức tỉnh nhà. Vì vậy, đa số học viên tham gia khóa học dù “đã biết” hay “chưa biết” đều có cùng một suy nghĩ là “học để làm” nên thái độ học tập rất nghiêm túc.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được của chương trình đào tạo vẫn còn tồn tại những vấn đề cần quan tâm:
Qua thời gian đào tạo đã cho thấy, trình độ tin học của đội ngũ cán bộ công chức hành chính tham gia khóa học thiếu sự đồng đều dẫn đến hiệu quả đào tạo chưa cao, tạo nên áp lực đối với người học lẫn giáo viên trực tiếp giảng dạy. Có thể phân ra thành 2 nhóm: Đã qua sử dụng và chưa qua sử dụng máy tính.
Đối với đối tượng học viên là những người đã và đang sử dụng trực tiếp máy tính trong công việc hàng ngày ở đơn vị thì thời gian của các Môđun 1, 2, 3, 4 chỉ mang tính hệ thống lại kiến thức. Nhưng các Môđun 5, 6, 7, 8 nội dung của các môđun này tương đối mới mẻ, đa số chưa tiếp cận. Nên nội dung của 4 môđun này vừa hệ thống, vừa bổ sung kiến thức mới.
Đối với học viên chưa qua sử dụng máy tính: Thời gian 19 ngày cho toàn khóa học là chưa phù hợp. Đây là vấn đề thực sự khó khăn đối với người mới bắt đầu học. Tạo áp lực cho học viên: Làm sao để “tiêu thụ” hết lượng kiến thức và các kỹ năng của 8 môđun để hoàn thành kiểm tra cuối khóa?.
Đây là bài toán khó!. Nhưng không phải không có cách giải.
Bản thân là một trong những giảng viên trực tiếp đứng lớp, tôi có sự đồng cảm với học viên là “Học để làm” còn làm như thế nào nó còn tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh thực tế của mỗi cán bộ công chức trong từng đơn vị cụ thể. Nhưng để làm tốt, thì phải học tốt. Muốn học tốt thì phải có thời gian phù hợp, nhất là đối với đối tượng học viên chưa qua sử dụng máy vi tính, tránh trường hợp “chữ thầy tôi trả cho thầy”, gây lãng phí trong đào tạo. Điều quan trọng đây là đội ngũ cán bộ công chức phải và sẽ trực tiếp tham gia khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, là những nhân tố quyết định sự thành công chương trình cải cách hành chính nhà nước trong tương lai.