Chúng tôi tìm đến nhà mẹ tận ấp Chánh Hội, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, để gặp bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ Ngô Thị Giám sinh năm 1918 bí danh Sáu Trong, mẹ sinh ra và lớn lên tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Hôm nay, trước mắt chúng tôi mẹ đã già lắm, đã 86 tuổi, nhưng mẹ còn minh mẫn, kể lại khá chi tiết sự kiện lịch sử trước và sau Nam Kỳ năm 1940 ở huyện Vũng Liêm. Mẹ vừa nhai trầu vừa chậm rãi kể lại chuyện xưa, vì nhiều chuyện đau đớn in sâu trong đời mẹ, mẹ khóc, rất cảm động!.
Mẹ kể thuở ấy mẹ còn trẻ, cũng như bao người phụ nữ trẻ thôn quê, ngày tháng lam lũ cùng ruộng. rẫy, năm 18 tuổi mẹ lập gia đình, me nhìn thấy cái cảnh đàn áp, sưu cao, thuế nặng . . . Năm 1937, mẹ tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng, trong hội Tương tế ái hữu, rồi đến Mặt trận phản đế xã Trung Hiệp do đồng chí Lê Quang Phòng bí thư huyện ủy, đồng chí Nguyễn Thị Hồng lãnh đạo, Mẹ rất gan dạ không hề sợ hy sinh, ngày đêm tìm cách vận động nhân dân, đứng lên đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đòi chia đất công điền cho dân nghèo sản xuất. Đến ngày 23/11/1940 mẹ tham gia trong đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Vũng Liêm “Mặt trận Bắc Nước xoáy” do đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt), đồng chí Hồ Chí Thiện, đồng chí Nguyễn Văn Hớn, đồng chí Huỳnh Văn Đắc lãnh đạo, mẹ kể lúc đó lực lượng khoảng 100 người, phần lớn là thanh niên, trong tay chỉ có giáo mác, gậy gộc, một ống loa làm bằng thùng thiếc, hành quân lội bộ hơn 10 cây số, thời điểm đó lúa mùa lên cao, đoàn quân đi đánh đồn Bắc nước xoáy trong lòng rất hồ hởi, lấy xong đồn Bắc nước xoáy, lực lượng ung dung phấn khởi. Mẹ còn nhớ đồng chí Hồ Chí Thiện treo lá cờ đỏ sao vàng loại lớn tung bay trước gió, đồng chí Phan Văn Hòa dùng loa sắt kêu đồng bào nổi dậy cùng với quân khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc phong kiến, địa chủ lấy lại ruộng đất cấp cho nông dân. Sau khởi nghĩa thắng lợi hàng ngày địch đàn áp khủng bố truy lùng bắt bớ những người tham gia khởi nghĩa, nhưng mẹ kiên quyết bám trụ cùng địa phương, làm hầm bí mật ở bụi tre gai sau nhà ẩn trốn. Đến ngày 23/01/1941, tên quản Giác , dẫn lính chỉ điểm bắt mẹ tại hầm bí mật, bắt được mẹ chúng tra tấn dã man, quy chụp gia đình mẹ là cộng sản, thương chồng, thương con mẹ vẫn cam chịu tất cả, không khai báo với giặc. Chúng phải giải mẹ đến khám lớn Sài Gòn, không khai thác được gì ở mẹ nên đến tháng 6/1942 phải thả mẹ. Ra tù, mẹ tiếp tục hoạt động cách mạng, vừa lo cho gia đình, làm lụng khổ cực nuôi chồng con, đến khi hai người con lớn trưởng thành mẹ không ngần ngại cho hai con trai của mình tham gia bộ đội chống Mỹ cứu nước. Mẹ nói trong kháng chiến ác liệt làm sao tránh khỏi sự chết chóc, nhất là trong giai đoạn mùa xuân năm 1968, trong năm đó chỉ trong thời gian ngắn mẹ phải chết đi sống lại đến ba lần khi nghe tin chồng, rồi con mình đã anh dũng hy sinh. Với công lao của gia đình mẹ đóng góp trong hai cuộc kháng chiến, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều huân chương.