Làm thế nào để nâng cao chất lượng học tập đây là một vấn đề đang được nhiều người quan tâm, chú trọng, không chỉ là ở phía giáo viên mà còn ở cả các học viên trong các trường nói chung, trường Chính trị Phạm Hùng Vĩnh Long nói riêng.
Đứng ở góc độ giáo viên thì người giáo viên nào cũng muốn buổi dạy của mình có chất lượng, truyền tải hết các nội dung cần thiết, làm cho học viên thích thú nghe và tiếp thu tốt, có thể vận dụng cho thực tế. Đứng ở góc độ học viên thì người học viên luôn mong muốn khi đến trường sẽ có những buổi học thật thoải mái, thật sự nâng cao được trình độ kiến thức và vận dụng các kiến thức ấy vào trong đời sống thực tế, trong công việc hàng ngày của mình.
Đặc điểm của trường Chính trị là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức đang làm việc trong các cơ quan đơn vị để giúp cho các cán bộ công chức này nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ nhận thức và khả năng thực hiện các nhiệm vụ được giao, đáp ứng cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, do vậy đối tượng học viên hết sức phong phú và đa dạng, đây vừa là ưu điển nhưng cũng vừa là những trở ngại, thách thức đối với công tác giảng dạy.
+ Về phía học viên. Có thể đưa ra một số ưu điểm với đối tượng học viên này là tất cả đều ở tuổi trưởng thành, đã có một khoảng thời gian công tác nhất định trong các cơ quan, ban ngành, các đơn vị, thậm chí có những địa vị nhất định trong xã hội nên về mặt ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, là một thuận lợi lớn trong công tác tổ chức quản lý. Mặt khác về trình độ thì phần lớn đã có qua các trường lớp về chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong công tác, do vậy về mặt bằng kiến thức thì cũng đã có nền tảng cơ bản tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy. ngoài ra thì mục tiêu học tập của đối tượng này đã được xác định rõ trước khi đến lớp tạo ra động lực để học tập.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm thì có những vấn đề khó khăn đặt ra cho đội ngũ giáo viên như sau:
- Thứ nhất. Về tuổi đời của các học viên không đồng đều nhau nên việc bố trí lớp học rất khó khăn, nếu bố trí một lớp mà tuổi đời chênh lệch nhau quá nhiều thì về mặt tiếp thu sẽ bị hạn chế, những người trẻ tuổi thì tiếp thu nhanh nhưng kinh nghiệm thì ít, và những người lớn tuổi thì ngược lại dẫn đến hiện tượng nhàm chán
- Thứ hai. Do các học viên là cán bộ công chức ở các cơ quan ban ngành khác nhau, thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác nhau nên nhu cầu về đào tạo bồi dưỡng cũng khác nhau.
- Thứ ba. Việc xác định mục tiêu học tập của học viên thì vẫn còn hiện tượng vì “bằng cấp” vì “hợp thức hóa” nên động lực học tập chưa mạnh, chưa thực sự thúc đẩy học viên phát huy tinh thần học tập của mình.
+ Về phía giáo viên. Trường Chính trị Phạm Hùng đã có một đội ngũ giáo viên tương đối đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng giảng dạy có thể đáp ứng được các nhu cầu đặt ra. Mặt khác đội ngũ giáo viên luôn tận tình, có nhiều nổ lực, phấn đấu trong công tác được giao, có tinh thần trách nhiệm cao đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của trường.
Tuy nhiên về phía đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế nhất định:
- Thứ nhất, về trình độ chuyên môn, phần lớn các giáo viên có trình độ cử nhân, giảng dạy nội dung chưa sâu, ít cập nhật kiến thức mới, ít liên hệ thực tiễn, chủ yếu trình bày mặt lý luận theo giáo trình.
- Thứ hai, về phương pháp giảng dạy; đa số giáo viên vẫn áp dụng phương pháp truyền thống là truyền đạt một chiều làm cho học viên thụ động, nên học dễ nhàm chán, phần kiến thức mà học viên tiếp thu không được nhiều do không khí học tập chưa kích thích tinh thần học tập của học viên, mặt khác do chủ yếu là truyền đạt lý thuyết mà không kết hợp với thực hành nên nghe xong dễ quên khi vận dụng vào thực tiễn sẽ gặp lúng túng, không biết cách vận dụng.
- Thứ ba, giáo viên chưa nắm bắt được nhu cầu học tập của học viên để từ đó đưa ra những nội dung giảng cho phù hợp với đối tượng, chưa có nhiều sáng tạo trong giảng dạy để buổi dạy đạt chất lượng hơn.
Qua đây xin kiến nghị một số vấn đề để nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường Chính trị.
- Thứ nhất: phải xem xét phân loại đối tượng học viên trước khi bố trí vào các lớp cho phù hợp, để nâng cao chất lượng học tập.
- Thứ hai: xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho phù hợp với các đối tượng học viên, làm thế nào để đạt được chất lượng, hiệu quả trong học tập.
- Thứ ba: Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên bảo đảm tốt chất lượng giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện để cho giáo viên áp dụng các phương pháp giảng dạy mới vào học tập, tạo không khí sinh động trong buổi học giúp cho học viên phấn khởi trong học tập.