Quá trình nhận thức về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
14.12.2020 10:19
Quá trình nhận thức về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Như chúng ta biết, sau năm 1975, đất nước còn vô vàn những
khó khăn. Đó là: Hậu quả của 30 năm chiến tranh đối với cả nước và chủ nghĩa thực
dân mới ở miền Nam phải giải quyết vô cùng nặng nề; miền Nam hậu quả của chiến
tranh và chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội; miền Bắc kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá nặng
nề trong hai cuộc chiến tranh phá hoại năm 1964-1968 và năm 1972; Nền kinh tế
quốc dân mất cân đối một cách gay gắt, nhất là cung-cầu lương thực, sản xuất
không đủ tiêu dùng. Trong khi đó, Mỹ và các thế lực thù địch tăng cường chống
phá cách mạng nước ta. Nhân dân VN phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ
quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc. Các nước XHCN gặp nhiều khó
khăn, đã bộc lộ trì trệ, đòi hỏi phải cải cách, cải tổ....
Từ những khó khăn đó, Đảng ta đã tìm thấy những bất cập
của cơ chế, đồng thời phát hiện những điểm sáng của thực tiễn đặt ra. Do vậy, Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V, Đảng ta đã chỉ ra những đột phá lớn, mà cụ
thể: Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (15-23/8/79) “tìm kiếm lối thoát” cho nền
kinh tế ra khỏi khủng hoảng, trì trệ với những chủ trương, biện pháp cấp bách,
mạnh mẽ, kiên quyết, đem lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định
đời sống, làm cho sản xuất “bung ra”; tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát
triển…; đồng thời được tự do lưu thông hàng hóa, xóa bỏ “ngăn sông, cấm chợ”. Đặc
biệt là Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ngày 13/01/1981 về cải tiến công tác
khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác
xã nông nghiệp...
Về Quyết định 25/CP ngày 21/01/1981 là phát huy quyền tự
chủ sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc
doanh và Nghị quyết 26/CP của Hội đồng Chính phủ về mở rộng hình thức trả lương
khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất,
kinh doanh của Nhà nước.
Hội nghị Trung ương 8 khóa V (1-7/6/85) đã quyết định dứt
khoát xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính, bao cấp chuyển sang hạch
toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa lấy “Giá-lương-tiền” làm khâu đột
phá. Bên cạnh đó, còn có Kết luận Bộ Chính trị (20/9/86) về thực hiện chính
sách kinh tế nhiều thành phần, cho phép sở hữu các thành phần kinh tế; đổi mới
cơ chế quản lý, xóa cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính, bao cấp thực hiện
hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa…; đổi mới cơ cấu kinh tế, phải
“thật sự coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”.
Trên đây là 3 đột phá về tư duy nhằm mở đường cho phát
triển kinh tế, xã hội, cơ sở quan trọng để Đảng ta đổi mới toàn diện, trước hết
là đổi mới về tư duy kinh tế. Như vậy, từ những năm 1979 - 1986, Ðảng và nhân
dân ta bước đầu đã có những tìm tòi, thử nghiệm để cải cách theo hướng thị trường.
Từ năm 1986 đến nay, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới
đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư
duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát
triển của đất nước. Những thắng lợi bước đầu đó được Đảng ta từng bước hoàn thiện,
cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương
lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan
trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội, cụ thể:
Ðại hội VI của Ðảng (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới
toàn diện đất nước, mở ra một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong công cuộc
xây dựng CNXH ở nước ta. Ðại hội VI khẳng định phải đổi mới cơ chế quản lý kinh
tế, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh theo quan điểm phát triển nền kinh tế
hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần kinh tế đi lên CNXH.
Ðại hội VII (6-1991) tiếp tục thực hiện chủ trương xây
dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo hướng phát huy thế mạnh của các
thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, bổ sung cho nhau trong nền kinh
tế quốc dân thống nhất.
Ðại hội VIII (6-1996) xác định nhiệm vụ đẩy mạnh công
cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều
thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định
hướng XHCN.
Ðại hội IX (4-2001), Phát huy những kết quả đổi mới đã
đạt được, kết hợp tìm tòi, tổng kết lý luận - thực tiễn ĐH IX chính thức đưa ra
khái niệm "KTTT định hướng XHCN", khẳng định chủ trương xây dựng và
phát triển nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam
trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, là đường lối chiến lược nhất quán.
Đại hội X (4-2006), Đảng tiếp tục khẳng định mô hình
kinh tế đã được lựa chọn đồng thời nhấn mạnh, để đi lên CNXH, phải phát triển nền
KTTT định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích
cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại hội XI (01-2011) của Đảng khẳng định và cụ thể hóa
thêm gắn với việc giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của nền kinh tế và mục tiêu
phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào
năm 2020. Đại hội khẳng định “Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế
hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà
nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái KTTT vừa tuân
theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi
các nguyên tắc và bản chất của CNXH”.
Đại hội XII tiếp tục nhận thức rõ hơn về những đặc
trưng chủ yếu của mô hình "nền KTTT định hướng XHCN": là nền kinh tế
vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng
XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại
và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh". Nhận định này đã kế thừa, làm rõ và thể hiện bước phát triển mới
trên nhiều luận điểm quan trọng, cho thấy sự phát triển và hoàn thiện về mô
hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam qua các kỳ Đại hội; là cơ sở cho việc hoàn
thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.
Như
vậy, Nghị
quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN
luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước.
Để hoàn thiện thể chế KTTT cần tổ chức thực hiện tốt một số nội dung cơ bản
sau:
Một là, trong
thiết kế và vận hành thể chế KTTT định hướng XHCN, cần phải tiếp tục hoàn
thiện đồng bộ 3 bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế có quan hệ hữu cơ: Hệ
thống pháp luật, quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh
tế; các thể chế về chủ thể và các yếu tố, các loại thị trường trong nền
kinh tế; cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và xử lý vi
phạm trong nền kinh tế.
Hai là, tiếp
tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế,
các loại hình doanh nghiệp. Thể chế hóa quyền tài sản của
Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được xác lập trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm
minh bạch về nghĩa vụ, trách nhiệm trong thủ tục hành chính Nhà nước và dịch vụ
công; quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng
trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế.
Ba là, phát
triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; từng bước, theo lộ
trình thực hiện mở cửa, gắn kết thị trường dịch vụ, thị trường tài chính, thị
trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ với thị trường khu vực và thế
giới.
Bốn là, hoàn
thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội trong từng
chương trình, dự án; trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi
trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng nghiên cứu, ban hành đồng
bộ các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Phát triển hệ thống an
sinh xã hội đa dạng, đa tầng, thống nhất, tăng tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội
và người dân.
Năm là, hoàn
thiện thể chế phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, quy hoạch và phân công,
phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương. Xây dựng quy hoạch phát triển
kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không
gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Hoàn thiện thể chế phân công,
phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền
kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Đổi mới hệ thống
chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương.
Sáu là, đẩy mạnh,
nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động hội nhập quốc tế, tham gia
và khai thác có hiệu quả lợi ích kinh tế các hiệp định tự do hóa kinh
tế song phương và đa phương, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ;
tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể.
Bảy là, đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà
nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát
triển kinh tế - xã hội.
Để nắm được những điểm mới trong đặc trưng của mô hình
KTTT định hướng XHCN; nâng cao nhận thức về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng
XHCN; cần có những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, đặc biệt phải có quyết tâm
chính trị cao, có hành động quyết liệt, cụ thể, bám sát thực tiễn của đất nước
trong từng thời điểm, từng địa phương và trong từng lĩnh vực phát triển; tận dụng
được các cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội nhằm phát
triển mạnh mẽ KTTT định hướng XHCN .
Nền kinh tế nước ta trong 35 năm trở lại đây đã đạt được
nhiều thành tựu rất lớn (1986-2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta, tuy có
sự dao động nhất định, song vẫn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới với
mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Nếu như giai đoạn 1986-1990, tốc độ
tăng trưởng kinh tế nước ta chỉ đạt 4,4%/năm, thì đến giai đoạn 1991-1995 là
8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 là 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 là 7,34%; giai
đoạn 2006-2010 là 6,32%/năm; năm 2016 là 6,21% và năm 2017 là 6,81% , năm 2018
là 7,08%, năm 2019 tốc độ tăng trưởng 7,02%. Đặc biệt là quy mô GDP năm 2019 đạt
kỷ lục từ trước tới nay là 266,5 tỷ USD. Thu nhập (GDP) bình quân đầu người
2800 USD, bội chi ngân sách ở mức 3,4% GDP, thấp hơn mức kế hoạch (3,6%).Tương ứng
năm 2020 ước đạt 300 tỷ USD và thu nhaapja bình quân đầu người là 3.000 USD.
Với những kết quả ấn tượng như vậy, đồng chí Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ kỉ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam đã khẳng định: “Thực
tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ,
sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi
thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam”, “Với tất
cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ
có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay. Đất nước hòa bình thống
nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững”.
Tóm lại, thay lời kết của toàn bộ nội dung bài viết
này, tác giả không thể sử dụng lời lẻ nào chân lý và khoa học hơn như lời đồng
chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ kỉ niệm 90 năm thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam: “Thực tiễn
đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào
khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín
và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp
cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và cũng chính
trong quá trình đó, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu,
hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải
ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của
dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”./.
ThS. Lưu Văn Tiền (Khoa LLCS) |