Trang chính
Trang chủ    ¤   Gửi bài    ¤   Lịch học tập    ¤   Kết quả điểm    ¤   Tìm kiếm
 
Tin tức » Nghiên cứu - Trao đổi Thứ năm, 25-4-2024

motor Teco

Nhà phân phối motor Teco ở Việt Nam

dong co Siemens

chuyen cung cap dong co Siemens

hạt giống sen mini

chuyên cung cấp hạt giống sen mini Nhật Bản

hoa lan hồ điệp

chuyên cung cấp hoa lan hồ điệp ở TPHCM

shop quần áo đá banh

LONI sport là shop quần áo đá banh ở TPHCM

hoa tuoi

Shop hoa tuoi cung cap hoa tuoi o tphcm

Đặt quần áo đá banh

Chuyên đặt quần áo đá banh ở TPHCM

Giày bóng đá

Cung cấp giày bóng đá giá rẻ ở TPHCM

Hạt giống hoa

Cung cấp hạt giống hoa ở TPHCM - giao hạt giống hoa toàn quốc

kho lạnh

Thiết kế và thi công kho lạnh tiêu chuẩn châu Âu

Màn nhựa PVC

Phân phối màn nhựa PVC Extruflex của Pháp

Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện - Quyền làm chủ của nhân dân
08.12.2020 14:51

 Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giữ vững quan điểm lấy dân làm gốc, xây dựng nhà nước thực sự của dân do dân vì dân, không ngừng mở rộng dân chủ để thực hiện tốt quyền lực thuộc về nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thông chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ chủ nghĩa xã hội đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân”. Như vậy thực chất của công cuộc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta là xây dựng nền dân chủ chủ nghĩa xã hội, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân.

Từ Hiến pháp năm 1946 đến nay đều thống nhất quan điểm: Nhà nước của ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Hiến pháp không chỉ quy định Nhân dân là chủ thể của Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà còn quy định phương cách Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình. Điều 6 Hiến pháp 2013 ghi: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". 

Dân chủ trực tiếp là việc Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước. Tức là Nhân dân thể hiện một cách trực tiếp ý chí của mình (với tư cách là chủ thể quyền lực nhà nước) về một vấn đề nào đó mà không cần thông qua cá nhân hay tổ chức thay mặt mình và ý chí đó có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành. Ưu điểm của hình thức dân chủ trực tiếp là Nhân dân trực tiếp quyết định, phản ảnh đúng ý chí, nguyện vọng của mình. Dân chủ trực tiếp được mở rộng đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trình độ pháp lý của nhân dân...của một nước. Hiện nay, nước ta đang trong quá trình xây dựng nên dân chủ trực tiếp trên thực tế mới thực hiện mức độ nhất định.

Hình thức biểu hiện cụ thể của dân chủ trực tiếp chủ yếu thông qua 3 hình thức sau: ứng cử, bầu cử, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; trưng cầu dân ý. Ngoài ra, các cuộc đối thoại trực tiếp của nhân dân với cơ quan Nhà nước hiện nay cũng là hình thức biểu hiện của dân chủ trực tiếp. Trong thời gian qua, việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân ở nước ta từng bước được đổi mới, đem lại kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, thực trạng việc bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân cho thấy còn bộc lộ những hạn chế, biểu hiện trên các phương diện cụ thể sau đây:

Về bầu cử: Cử tri chưa thực sự phát huy được tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân trong bầu cử. Sự quan tâm của một bộ phận dân chúng đối với các hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chưa cao; Còn tình trạng cử tri thiếu thông tin về người ứng cử; chưa đảm bảo tính bình đẳng trong quyền được đại diện của cử tri (pháp luật quy định nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử, đối với quyền bầu cử của cử tri được hiểu là “một người, một phiếu, một giá trị”, nhưng trên thực tế do việc phân bổ số lượng đại biểu được bầu chưa thực sự hợp lý nên dẫn đến quyền được đại diện của cử tri của các tỉnh, thành phố chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử); Còn tình trạng bầu hộ, bầu thay khiến cho kết quả bầu cử không phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực, bản lĩnh của các ứng cử viên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…

Về bãi miễn đại biểu dân cử, hiện tại các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành về việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhìn chung vẫn còn chưa được quy định đầy đủ. Cụ thể, đối với việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã cụ thể hóa phần nào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”. Tuy nhiên, cử tri nơi bầu ra đại biểu không có quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy, quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội không còn nằm trong tay cử tri nơi bầu ra đại biểu mà quyền này chỉ còn nằm trong tay của tổ chức chính trị-xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân (cử tri) “mất đi quyền lực trực tiếp” đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội; Còn đối với việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị cử tri bãi nhiệm (Khoản 1 Điều 102); Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cùng cấp (Khoản 2 Điều 102); Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định (Khoản 4 Điều 102). Như vậy, cho đến hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết về trình tự tiến hành bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bởi cử tri. Điều này cho thấy những quy định pháp luật hiện nay về bãi nhiệm đại biểu dân cử là chưa tương xứng với tầm quan trọng của hình thức dân chủ này.

Về trưng cầu ý dân: Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ hơn các phương cách Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, trong đó quy định rõ những vấn đề quan trọng của đất nước cần được đưa ra trưng cầu ý dân. Tuy nhiên đến nay chúng ta chưa tổ chức được cuộc trưng cầu dân ý nào.

Về dân chủ trực tiếp ở cơ sở: bên cạnh những điểm tích cực thì Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn ra đời năm 2007 vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định như sau: quy định tên gọi của loại hình dân chủ trực tiếp này, chưa có quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Vì vậy, chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; chưa quy định cụ thể chủ thể có quyền đề xuất việc bãi nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn. Việc bãi nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn chưa được công khai rộng rãi trong nhân dân. Ở một số địa phương, vấn đề này được tiến hành một cách hình thức, chưa bảo đảm đúng quy trình, thủ tục; chưa làm rõ việc xử lý đối với các hành động làm trái quy định của Pháp lệnh, không thực hiện, trốn tránh việc thực hiện các nội dung để nhân dân bàn, quyết định hoặc lấy ý kiến… Chế tài xử phạt, đặc biệt đối với người đứng đầu hoặc người chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động này trong các cơ quan chính quyền có liên quan là chưa có.

Dân chủ đại diện đó là hình thức thực hiện quyền làm chủ của người dân thông qua bộ máy nhà nước, các cơ quan nhà nước, mà trước hết và quan trọng là các cơ quan đại diện do dân cử và các tổ chức chính trị xã hội. Và từ đây vấn đề là dân chủ thực sự hay không là tùy thuộc vào bản chất của chế độ chính trị mà nhà nước đó đại diện. Dân chủ đại diện thể hiện thông qua các cuộc bầu cử định kỳ để lựa chọn các đại biểu thay mặt cho cử tri trong việc thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và xã hội. Do đó, cần thực hiện đầy đủ quyền đề cử, ứng cử và bầu cử của người dân trong việc lựa chọn đại diện để hành động vì lợi ích của mình. Việc lựa chọn được thể chế hóa và thực hiện bằng các cuộc bầu cử được tiến hành định kỳ dưới hình thức bỏ phiếu kín, và tất cả mọi công dân trưởng thành đều có quyền bầu cử. Ở nước ta, dân chủ đại diện thể hiện ở quyền của công dân được bầu chọn ba loại đại biểu: Đại biểu địa phương - trưởng thôn, ấp ở vùng nông thôn và tổ trưởng dân phố ở vùng đô thị; Công dân bầu các uỷ viên của Hội đồng nhân dân ở các cấp hành chính tỉnh, huyện, xã theo chu kỳ năm năm một lần; Công dân trực tiếp bầu chọn các đại biểu tham gia Quốc hội, cũng năm năm một lần.

 

Dân chủ đại diện có ưu điểm là với hình thức này chúng ta quản lý được mọi mặt đời sống xã hội, nhưng có hạn chế là ý chí, nguyện vọng của người dân phải qua trung gian của người đại diện, có thể bị méo mó bởi nhiều lý do như trình độ nhận thức, quan điểm, lợi ích... Dân chủ đại diện mà thực chất của nó là truyền đạt các ý nguyện của công dân thông qua hình thức các cơ quan dân cử, các đại biểu được người dân bầu chọn thông qua lá phiếu bầu, hình thức dân chủ này cho phép sự điều tiết xã hội được quy về một mối, do vậy nhà nước điều tiết quản lý xã hội một cách đồng bộ, thống nhất phản ứng kịp thời và có hiệu quả trước các biến động của xã hội, điều này dân chủ trực tiếp không thể đáp ứng được trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên dân chủ đại diện sẽ không phát huy được, và sẽ là hình thức nếu không có cơ chế hiệu quả để người dân thực sự bầu chọn được những người đại diện chính đáng của mình và những người được bầu chọn không đủ trình độ, phẩm chất, năng lực… như thế các quyết sách được đưa ra từ các cơ quan dân cử sẽ là của một số người chứ chưa phải là của toàn dân, đây là điểm hạn chế đáng lưu ý của dân chủ đại diện.

 

Khi nói đến tính đại diện người ta hay nghĩ đến các cơ quan dân cử - Quốc hội và Hội đồng nhân dân - điều đó đúng nhưng chưa đủ. Quyền lực nhà nước bao gồm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi nói quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì chúng ta hiểu quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp là thuộc về nhân dân. Như nói ở trên, do điều kiện không cho phép nên số lượng vấn đề nhân dân quyết định trực tiếp không nhiều, bởi vậy nhân dân lập ra và trao quyền cho các cơ quan nhà nước để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của mình; các cơ quan này phải chịu sự giám sát của nhân dân và chỉ được thực hiện quyền lực trong giới hạn cho phép. Chẳng hạn đối với Chính phủ, Chính phủ là cơ quan do nhân dân gián tiếp bầu ra, thông qua Quốc hội (Điều 94 Hiến pháp 2013 quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội). Đây là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Tương tự, tại Điều 96 của Hiến pháp năm 2013 quy định, Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Như vậy, cơ quan được nhân dân ủy quyền không chỉ là cơ quan dân cử mà bao gồm cả cơ quan hành pháp và tư pháp, khi hoạt động các cơ quan này với tư cách là nhân dân, đại diện nhân dân để thực thi nhiệm vụ. Nhận thức điều này có ý nghĩa trong thực tế là các cơ quan nhà nước kể cả lập pháp, hành pháp và tư pháp phải thấy rằng quyền mà các cơ quan này có được là do nhân dân trao, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Không chỉ có Quốc hội, đồng nhân dân các cấp lắng nghe ý kiến nhân dân khi ban hành luật, nghị quyết, mà các cơ quan hành pháp, tư pháp cũng phải thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.

 

Giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp có mối quan hệ mật thiết với nhau: dân chủ đại diện là hình thức, phương thức chủ yếu của nền dân chủ hiện đại nhưng dân chủ đại diện không triệt tiêu dân chủ trực tiếp, tính ưu điểm của dân chủ trực tiếp là đặt sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước trong tay nhân dân tạo tính đồng thuận trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, hạn chế khả năng lạm dụng quyền lực nhà nước, nhưng nó cũng không thể thay thế được dân chủ đại diện, mà nó chỉ bổ sung cho cơ chế dân chủ đại diện giúp cho dân chủ đại diện hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn.

 

 Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là hai hình thức cơ bản để thực hiện quyền lực của nhân dân, đều có vai trò quan trọng trong nền dân chủ. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, ''điều quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện, mở rộng và có cơ chế từng bước thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp một cách thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả''. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”.

 

Do đó, trong thời gian cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các hình thức dân chủ đã được quy định trong pháp luật như: hoàn thiện pháp luật về bầu cử; cụ thể hoá các quy định về bãi miễn đại biểu dân cử; hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức triển khai cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật; tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp mới như: nghiên cứu và xây dựng pháp luật về phản biện xã hội; nghiên cứu và xây dựng pháp luật về biểu tình và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thông tin về luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ theo quy định của pháp luật. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó, cần chú ý mấy khía cạnh sau: 

 

Về nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện: 

 

Một là, nâng cao trình độ và phẩm chất mọi mặt của cá nhân và tổ chức đại diện, đảm bảo các quyết định của người đại diện phải vô tư, trong sáng, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, cục bộ, địa phương, do đó phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng có tính toàn cục của nhân dân. 

Hai là, xây dựng một cơ chế đảm bảo các đại biểu của nhân dân hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa để có nhiều thời gian tiếp xúc với nhân dân. Có cơ chế để các cơ quan đại diện thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định, nhất là tăng cường đối thoại, chất vấn, phản biện và thực hiện nghiêm túc chế độ bãi miễn, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm. 

Ba là, xây dựng nhiều kênh thông tin lý luận và thông tin xã hội cung cấp cho cá nhân và cơ quan đại diện để giúp họ có cái nhìn khách quan, toàn diện đối với các vấn đề thuộc đối tượng quản lý. Đó là kênh báo chí, kênh các đoàn thể chính trị - xã hội, kênh dân nguyện được phản ánh trực tiếp bằng chế độ phê bình, góp ý, khiếu nại, tố cáo. 

Bốn là, mở rộng một số kênh dân chủ trực tiếp để hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện . Đáng chú ý là việc mở rộng sự phê bình trực tiếp của nhân dân đối với cán bộ, công chức; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri để lắng nghe ý kiến. 

Năm là, đảm bảo các nhu cầu về vật chất và tinh thần để đại biểu của nhân dân thực thi tốt chức trách xã hội như chế độ đãi ngộ, đi lại, học tập, thông tin.

Về mở rộng và phát huy dân chủ trực tiếp:

Một là, việc mở rộng nội dung dân chủ trực tiếp cần phù hợp với bước phát triển của trình độ kinh tế và dân trí. Do đó, gắn liền với việc tìm tòi các nội dung dân chủ trực tiếp, phải không ngừng chăm lo tạo dựng các điều kiện cho dân chủ trực tiếp phát huy thực chất và đúng định hướng, nhất là các điều kiện về dân sinh, dân trí. 

Hai là, phạm vi dân chủ trực tiếp được mở rộng ở những nội dung nào, thời điểm nào cần cân nhắc, lựa chọn cẩn trọng. Sự lựa chọn không đúng đắn các nội dung dân chủ trực tiếp và xác định lộ trình thiếu phù hợp chẳng những làm cho dân chủ không thực chất, mà thậm chí nhiều khi còn phản tác dụng.

Ba là, thực hiện dân chủ trực tiếp phải gắn chặt với nâng cao chất lượng dân chủ đại diện. Đáng chú ý là, trong tổ chức ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm phải đảm bảo thật sự khách quan và dân chủ để lựa chọn những đại biểu xứng đáng của dân, do dân và vì dân; tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp trực tiếp của nhân dân với tinh thần cầu thị và xác định lộ trình sửa chữa nghiêm túc; lựa chọn những nội dung dân chủ trực tiếp thực chất, khơi dậy được động lực sáng tạo mạnh mẽ của nhân dân. 

Bốn là, thực hiện dân chủ trực tiếp phải theo quan điểm động, gắn với quá trình vận động và biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội 

Năm là, cần tổng kết, đánh giá đầy đủ hàng năm và 5 năm việc thực hiện Quy chế dân chủ để làm rõ những khía cạnh dân chủ trực tiếp nào ở cơ sở phát huy tích cực, còn những khía cạnh nào vướng mắc để tìm biện pháp tháo gỡ, đưa dân chủ ở cơ sở phát huy đúng hướng và đảm bảo hiệu quả thiết thực. 

Tóm lại, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện đều là hình thức của chế độ dân chủ, có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Nền dân chủ phát triển thì dân chủ trực tiếp được mở rộng, dân chủ đại diện được đảm bảo ngược lại đẩy mạnh thực hiện dân chủ trực tiếp và phát huy dân chủ đại diện thì sẽ thúc đẩy nền dân chủ phát triển. Chính vì vậy, chúng ta cần kết hợp sử dụng và phát huy tốt hơn nữa cả hai hình thức này. Việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chế độ dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo về mặt pháp luật quyền của nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát những công việc, những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của chính mình và đối với công việc chung của đất nước, của địa phương. Nghĩa là, cần tạo môi trường pháp lý - xã hội thuận lợi để Nhân dân nói lên quan điểm, chính kiến của mình, để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Để làm được điều này, Đảng và Nhà nước cần phải dựa vào Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; khuyến khích các tầng lớp Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại./.


 



Hà Quốc Thanh (Phòng TC,HC,TT,TL)



Gửi qua YM

Những bản tin khác:



 Đăng nhập/Đăng ký 
Bí danh
Mật khẩu
Ghi nhớ
 Online 
 Khách: 003
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 003
 Hits 004220037
IP của bạn: 3.134.104.173
Trang chủ    ¤   Gửi bài    ¤   Lịch học tập    ¤   Kết quả điểm    ¤   Tìm kiếm

- Trang thông tin điện tử Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long
- Cơ quan chủ quản: Trường Chính trị Phạm Hùng
- Chịu trách nhiệm: Ban biên tập Trường Chính trị Phạm Hùng
- Địa chỉ : 241 Đinh Tiên Hoàng - Phường 8 - Thành phố Vĩnh Long - Vĩnh Long
- Điện thoại: 02703822315, 0270826098
- Email: tctph.vinhlong@gmail.com