Vài suy nghĩ về việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong buổi thảo luận của chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên
03.07.2020 08:38
Phương
pháp dạy học tích cực là phương pháp hướng tới hoạt động học một cách chủ động
của người học. Theo đó, học viên là trung tâm của quá trình giảng dạy, giảng
viên chỉ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, định hướng cho học viên.
Phương pháp dạy học tích cực sẽ chống lại thói quen học tập một cách thụ động:
giảng viên giảng, đọc - học viên nghe và ghi chép. Phương pháp dạy học
tích cực sẽ cho học viên cơ hội được trao đổi, thảo luận, đối thoại với nhau,
cùng nhau giải quyết các vấn đề theo sự hiểu biết của mình. Từ đó, phát
huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học, đặc biệt
là trong các buổi thảo luận.
Mục
tiêu hướng đến của Trường là chất lượng đào tạo. Do đó, người giảng
viên đóng vai trò là người tổ chức, cung cấp thông tin, cung cấp kiến
thức mà học viên cần; định ra các phương án giải quyết và lựa chọn
phương án hiệu quả, phù hợp nhất. Nếu giảng viên đưa ra những tình
huống thực tế ở cơ sở, ở đơn vị, gắn sát với nhiệm vụ, công việc
của từng nhóm học viên thì học viên sẽ vận dụng kiến thức đã tiếp thu,
kinh nghiệm thực tế, tích cực trao đổi với giảng viên, cùng nhau để tìm ra
phương án xử lý tình huống sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Thật
vậy, nếu chỉ sử dụng mỗi phương pháp giảng dạy theo truyền thống:
giảng viên nói - học viên nghe, ghi chép; giảng viên cung cấp thông tin một
chiều nên sau khi học xong người học sẽ mau quên và dẫn đến sự nhàm chán,
mệt mỏi. Do đó, để học viên được chủ động, sáng tạo và tránh được
sự nhàm chán, giảng viên nên kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác
nhau khi lên lớp. Giảng viên có thể đưa ra các tình huống, học viên
cùng nhau tham gia thảo luận, đưa ra các phương án giải quyết và phải chọn
lựa phương pháp tối ưu nhất. Để buổi lên lớp đạt hiệu quả khi áp
dụng phương pháp dạy học tích cực thì tình huống giảng viên nêu ra
phải gắn liền với công việc của người học, sát với thực tế trong
công tác thì học viên sẽ hào hứng tham gia. Qua đó, học viên sẽ cảm
thấy hứng khởi, nhiệt tình hơn và giúp phát huy tinh thần tự học của
học viên. Qua đó, hiệu quả của việc áp dụng phương pháp dạy học
tích cực sau mỗi chuyên đề sẽ được nâng lên. Học viên tích cực hơn
trong việc tham gia trao đổi thảo luận, phát biểu, đóng góp xây dựng
bài học, các kỹ năng của từng học viên dần dần được hình thành như:
kỹ năng hỏi - đáp, kỹ năng xử lý thông tin, kỹ năng thuyết trình, kỹ
năng phản biện... Trong giờ thảo luận, học viên được học hỏi không
chỉ từ giảng viên mà còn được học ở những người bạn học của mình,
họ sẽ tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như những phương
án giải quyết tình huống tối ưu nhất mà họ có thể áp dụng vào
thực tế tại đơn vị mình từ kết quả thảo luận của nhóm mình và các nhóm
khác trong lớp. Đối với giảng viên, có thể biết thêm nhiều tình huống
thực tế, nhiều phương án xử lý hay, hiệu quả từ những chia sẻ của học
viên - những người đang tham gia công tác, hoạt động thực tiễn tại cơ
sở. Từ đó, giảng viên sẽ bổ sung kiến thức, kinh nghiệm có được từ học viên
để đưa vào áp dụng giảng dạy các lớp sau.
Thực
tế hiện nay, sĩ số của mỗi lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên là khá
đông (khoảng 70 học viên). Để phát huy
tối đa vai trò của mỗi học viên trong giờ thảo luận, giảng viên đã chia
lớp ra thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm có
sự tương đồng với nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, về trình độ, đơn vị công tác... Từ
đó, giảng viên có thể phát huy được khả năng tư duy, kiến thức, kinh
nghiệm của mỗi người trong nhóm. Tuỳ vào mỗi nhóm mà giảng viên sẽ đưa ra những
tình huống cụ
thể, phù hợp. Chính sự phân nhóm này đã tạo được sự thoải
mái, gần gũi cho người học, giúp học viên tự tin hơn, mạnh dạn hơn,
nhiệt tình hơn khi đưa ra ý kiến đóng góp, tranh luận, phản biện, cũng
như bảo vệ quan điểm của mình trong nhóm.
Tóm
lại, phương pháp dạy học tích cực là phương pháp dạy học lấy sự chủ động
của người học làm trọng tâm. Phương pháp dạy học tích cực đã và đang được nhiều
nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng và mang lại những thành
công nhất định. Tại Việt Nam, phương pháp dạy học tích cực cũng đang dần
được phổ biến, thay thế cho phương pháp dạy học và tiếp thu kiến thức một cách
thụ động trước đây. Điều này, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập của học viên và
chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Phương pháp này, chắc chắn
sẽ khiến không ít học viên cảm thấy khó khăn khi lần đầu tiếp cận. Chính vì thế,
điều quan trọng vẫn là giảng viên phải biết cách vận dụng, hướng dẫn để giúp học
viên nhanh chóng thích nghi với phương pháp học tích cực, chủ động này.
ThS.Nguyễn Thị Xiếu (Khoa Nhà nước và Pháp luật) |