VAI TRÒ CỦA HỌC TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI VIỆC NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
15.01.2018 09:46
Lê Thị Hồng Nhiên
GV
Khoa Mác-Lênin & TTHCM
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu
hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã
chỉ ra một trong những biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính
trị trong cán bộ, đảng viên đó là: “Nhận
thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính
trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương,
đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Thực
tế này một lần nữa cho thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và
học tập lý luận chính trị là một yêu cầu rất cần thiết đối với người cán bộ,
đảng viên, nhất là trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính
trị.
Học tập lý luận chính trị - học tập chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước là một vấn đề rất cần thiết và có ý nghĩa rất quan
trọng trong giai đoạn hiện nay. Thông qua việc nghiên cứu và học tập về lý luận
chính trị không những giúp cho người cán bộ, đảng viên có một sự hiểu biết sâu
sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn giúp
cho người cán bộ, đảng viên củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, tinh thần
yêu nước; từ đó thúc đẩy họ tự nguyện, tự giác, hăng hái hành động, thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra.
V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Không có lý luận cách
mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”. Hồ Chí Minh cũng cho rằng:
“Do kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng
viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân
nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách
quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. Như vậy, trong
hoạt động thực tiễn, lý luận được xem là cái kim chỉ nam chỉ cho ta biết phương
hướng để hành động trong công việc thực tế; do vậy nếu không có lý luận và
không hiểu gì về lý luận thì chúng ta sẽ không có phương hướng để hành động và
khi ấy sự thất bại trong công việc, trong cuộc sống, trong hoạt động cách mạng…
là điều tất yếu không tránh khỏi.
Có thể nói, việc lười nghiên cứu, học tập Nghị quyết
của Đảng nói riêng và lý luận chính trị nói chung được xem là một trong những
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị rất nguy hiểm trong cán bộ, đảng
viên. Nó không những làm cho cán bộ, đảng viên không nắm được quan điểm, đường
lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là một
trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, nghị quyết của Đảng dù rất đúng
đắn, nhưng lại chậm được triển khai, cụ
thể hóa và trở thành hiện thực. Song, cũng do lười học tập lý luận chính trị,
không nắm chắc, hiểu sâu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nên cán
bộ, đảng viên không thể tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện.
Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập lý luận
chính trị trong giai đoạn hiện nay, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước… Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán
bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và
học tập lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên giữ vai trò rất quan trọng.
Thông qua học tập lý luận chính trị sẽ giúp cho người cán bộ, đảng viên trang
bị đầy đủ, toàn diện hơn và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về tri thức lý luận
chính trị; đồng thời giúp họ giữ vững bản lĩnh chính trị; củng cố, tăng cường
niềm tin vào tương lai của dân tộc, của sự nghiệp cách mạng, từ đó góp phần
tích cực vào việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong
cán bộ, đảng viên cũng như góp phần thực hiện thắng lợi 01 trong 06 nhiệm vụ
trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Lê Thị Hồng Nhiên (TTLL&TT 2017) |