TRƯỜNG CHÍNH TRỊ PHẠM HÙNG TỈNH VĨNH LONG QUA 25 NĂM HOẠT ĐỘNG
15.01.2018 07:39
Đinh Văn Tiền
Hiệu Trưởng - Trường Chính trị Phạm Hùng
Nhân dịp tròn 25 năm ngày thành lập
Trường Đào tạo cán bộ - Trường Chính trị - Trường Chính trị Phạm Hùng, xin ghi
lại những nét chính trong hoạt động của Trường qua ¼ thế kỷ (20/11/1992 –
20/11/2017).
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn
nhân lực và để có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho công tác đào
tạo cán bộ, ngày 20/11/1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 50/QĐ/TU
sáp nhập Trường Lý luận chính trị (được hợp nhất từ Trường Đảng và Trung tâm
Giáo dục chính trị năm 1991), Trường Quản lý nhà nước, Trường Đoàn thể thành
Trường Đào tạo cán bộ. Sau khi có Quyết định số 61/QĐ-TW ngày 10/3/1993 của Bộ
Chính trị “Về việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh” và theo đề nghị của Trường, Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBT ngày 09/7/1993 đổi tên Trường Đào tạo
cán bộ thành Trường Chính trị và ngày 20/10/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Quyết định số 3585/QĐ-UB đổi tên Trường Chính trị thành Trường Chính trị Phạm
Hùng.
Qua 25 năm hoạt động với khối lượng
công việc rất nhiều, có thể nêu tóm tắt một số công việc chính như sau:
Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức
Tính đến nay, Trường đã trải qua
nhiều lần sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo quyết định của Ban Bí thư và
hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của
trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với điều kiện thực
tế với tinh thần là giảm dần các khoa, phòng trực thuộc. Trường từ 7 khoa giảm
còn 5 khoa và hiện nay là 4 khoa, 3 phòng với tổng số 45 công chức, viên chức
cùng với 7 lao động hợp đồng.
Đội ngũ giảng viên, từ lực lượng sẵn
có cử đi đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu giảng dạy các
chương trình sau khi hợp nhất các trường; từng bước bổ sung, xét tuyển giảng
viên mới và cử đi đào tạo nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đi
thực tế ở cơ sở theo quy định, nhất là những năm gần đây cử giảng viên trẻ đi
thực tế dài hạn, thường xuyên tại một xã. Do vậy, đội ngũ giảng viên của Trường
từng bước được nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, phương pháp sư phạm, vốn
thực tiễn và đồng bộ hơn về chuyên ngành, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ giảng
dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Trường hiện có 29 giảng
viên (kể cả giảng viên kiêm nhiệm là lãnh đạo, quản lý), trong đó có 16 thạc sĩ
và 02 đang học cao học; 19 cao cấp lý luận chính trị, 03 đang học cao cấp lý
luận chính trị và 07 trung cấp lý luận chính trị. Viên chức quản lý, phục vụ
cũng được đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị và từng bước tuyển mới đáp
ứng yêu cầu vị trí việc làm.
Gắn liền với việc kiện toàn tổ chức,
xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức là xây dựng, hoàn thiện quy chế hoạt
động chung và trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kỷ
cương, dân chủ, đúng quy định của Đảng, Nhà nước trong các hoạt động của
Trường.
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất
Sau khi hợp nhất, cơ sở Trường Đảng
cũ được chọn làm cơ sở của Trường Đào tạo cán bộ. Đây vốn là ngôi trường trung
học phổ thông được xây dựng trước 1975. Để đáp ứng nhu cầu trước mắt nơi làm
việc, giảng dạy, học tập, sinh hoạt, Trường đã từng bước cải tạo, sửa chữa,
nâng cấp, xây dựng thêm một số hạng mục mới. Từ năm 2004, Trường quy hoạch mặt
bằng xây dựng tổng thể với tổng diện tích đất tự nhiên gần 1,7 ha và xin chủ
trương phân kỳ đầu tư xây dựng theo hình thức cuốn chiếu nhằm thay thế dần cơ
sở cũ nhưng vẫn đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng không bị gián đoạn. Việc
đầu tư xây dựng được thực hiện qua các năm 2007 - 2008, 2010 - 2012 và 2017 -
2018 (đang thi công). Sau khi hoàn thành, cơ sở vật chất của Trường có quy mô:
Khối nhà làm việc của công chức, viên chức 3 tầng (27 phòng làm việc và phòng
họp); nhà nghỉ (10 phòng) và nhà ăn của giảng viên các lớp phối hợp với cơ sở
đào tạo trung ương 139 m2; khối các phòng học và thư viện (4 tầng
gồm: 15 phòng học với 1.182 chỗ và thư viện với diện tích 312 m2);
hội trường 400 chỗ; ký túc xá 67 phòng; nhà ăn học viên 250 chỗ; cơ sở hạ tầng
kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng
Nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực
và cơ sở vật chất, ngay từ đầu Trường đã thực hiện đa dạng hóa nội dung chương
trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong khả
năng và phạm vi cho phép. Qua 25 năm, Trường đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng và
phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh, các cơ sở đào tạo Trung ương đào
tạo, bồi dưỡng (19 chương trình đào tạo và hơn 60 chương trình bồi dưỡng) với
tổng số 764 lớp, hơn 67.000 lượt học viên.
Hệ đào tạo: 235 lớp
với 16.004 học viên, trong đó:
- Trung cấp lý luận chính trị, Trung
cấp lý luận chính trị - hành chính: 167 lớp, 10.561 học viên.
- Đại học chính trị, Cao cấp lý luận
chính trị: 27 lớp, 2.395 học viên.
- Trung cấp nghiệp vụ: 28 lớp, 1.780
học viên.
- Đại học chuyên ngành: 11 lớp,
1.135 học viên.
- Cao học Xây dựng đảng – Chính
quyền nhà nước và Quản lý kinh tế: 2 lớp, 133 học viên.
Hệ bồi dưỡng: 529 lớp
với hơn 51.000 lượt học viên, trong đó:
- Chương trình chuyên viên chính: 15
lớp, 1.006 học viên.
- Chương trình chuyên viên: 77 lớp,
4.812 học viên.
- Các chương trình khác: 437 lớp,
hơn 45.200 lượt học viên.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng
đòi hỏi số lượng phải đi liền với chất lượng. Ngoài yếu tố về nội dung chương
trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học thì công
tác quản lý góp phần quan trọng tạo nên chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cả về
phương diện trang bị kiến thức, kỹ năng và rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật của
người học.
Trên cơ sở quy chế đào tạo của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
Trường cụ thể hóa thành quy chế học viên của từng loại chương trình đào tạo,
loại lớp bồi dưỡng và luôn cập nhật cho phù hợp với quy định và tình hình thực
tế. Quy chế là cơ sở để thực hiện công việc quản lý học viên trong quá trình
học tập và rèn luyện, đặc biệt quản lý về điều kiện dự thi hết môn, thi tốt
nghiệp, viết khóa luận và tổ chức thi cử, cấp bằng, chứng chỉ, nhận xét kết
quả rèn luyện. Nhìn chung, các lớp do Trường trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thực
hiện khá nghiêm túc quy chế cả về ý thức chấp hành của học viên và công tác
quản lý của nhà trường, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác nghiên cứu khoa học
Sau khi hợp nhất, Trường tập trung
lo sắp xếp kiện toàn tổ thức, củng cố đội ngũ và chuẩn bị các điều kiện cần
thiết cho việc tổ chức mở lớp nhằm đảm bảo tính liên tục trong công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc nhiệm vụ của các trường trước khi hợp nhất. Đến năm
1997, việc nghiên cứu khoa học mới bắt đầu khởi động, đó là việc đăng ký và
được Hội đồng Khoa học tỉnh phê duyệt cho Trường tổ chức nghiên cứu một đề tài
khoa học cấp tỉnh. Cũng cùng năm này, Trường phát động giảng viên, viên chức
tham gia viết bài, tổ chức biên tập và phát hành Nội san (Thông tin lý luận và
thực tiễn) nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tuy nhiên, do khả năng và lực lượng
nghiên cứu còn hạn chế nên việc tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh còn
gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để phù hợp với khả năng và phát huy được nội lực,
Trường tập trung nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường (cấp cơ sở). Hướng
nghiên cứu chủ yếu là nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, quản lý nhằm góp
phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trường nói chung và công tác
đào tạo, bồi dưỡng nói riêng. Xuất phát từ phương châm “Lý luận liên hệ với
thực tiễn” trong công tác giảng dạy nên phần lớn đề tài khoa học của Trường là
đề tài thực tiễn, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở, sát
với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu của Trường.
Qua 25 năm, chính xác là năm 1997
đến này, Trường tổ chức nghiên cứu 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, 55 đề tài khoa
học cấp cơ sở và phát hành 22 số Thông tin lý luận và thực tiễn.
Kết quả khen thưởng
Với những thành tích đạt được trong
công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng, hoạt động của Trường nói chung, Trường
đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Chủ tịch
nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1994, Huân chương Lao động hạng Nhì
năm 2005, Huân chương Lao động hạng Nhất (2010), Chính phủ tặng Cờ thi đua năm
2006 và năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được
cũng còn không ít hạn chế, nhất là: Giảng viên còn thiếu và chưa thật đồng bộ
về cơ cấu; tính kế thừa của đội ngũ giảng viên chưa cao, có lúc còn hẩng hụt
khi có giảng viên nghỉ hưu; chưa có và việc đào tạo giảng viên có học vị cao vẫn
khó khăn; chất lượng đào tạo còn những mặt hạn chế, nhất là việc kết hợp giữa
lý luận và thực tiễn trong giảng dạy, trong truyền đạt kỹ năng lãnh đạo, quản
lý cho người học; chưa thực hiện đầy đủ các các chương trình bồi dưỡng thuộc
trách nhiệm của Trường; về năng lực nghiên cứu khoa học và tính ứng dụng của đề
tài khoa học chưa cao; cơ sở vật chất qua nhiều giai đoạn xây dụng nên thời
gian dài thiếu sự đồng bộ và trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, sinh
hoạt chưa tương xứng với yêu cầu của một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, viên chức cấp tỉnh.
Vì vậy, để đạt được các tiêu chí
trường chính trị chuẩn, trong thời gian tới Trường phải tiếp tục phấn đấu trên
nhiều phương diện, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng
viên, viên chức đạt chuẩn về trình độ, có đủ năng lực, phẩm chất để hoàn thành
tốt cả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; tăng cường, hoàn
thiện công tác quản lý, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ
công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Trong
quá trình hoạt động, Trường luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp
trên và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị hữu quan và đó cũng chính
là điều kiện cần cho sự phát triển của Trường trong thời gian tới./.
Đinh Văn Tiền (TTLL&TT 2017) |